Chính trị

Coi trọng phòng ngừa, kết hợp xử lý nghiêm minh tham nhũng, tiêu cực

Hương Ly 24/12/2024 12:45

Sáng 24-12, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN).

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Thanh tra Chính phủ và kết nối 63 tỉnh, thành phố. Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu Thanh tra Chính phủ, có Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông; đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương…

Tại điểm cầu UBND thành phố Hà Nội, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn dự.

ub-diem-cau-tu-dep-.jpeg
Hội nghị tại điểm cầu Thanh tra Chính phủ. Ảnh: Nguyên Anh

Thu hồi 6.421 tỷ đồng, tạm giữ 346 lượng vàng

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, 5 năm qua, các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra tại 139.208 cơ quan, tổ chức, đơn vị việc thực hiện công khai, minh bạch, phát hiện và xử lý 1.445 đơn vị vi phạm; tiến hành 36.112 cuộc kiểm tra việc thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ, phát hiện 1.900 vụ việc và 2.670 người vi phạm, đã xử lý hành chính 788 người, chuyển xử lý hình sự 69 người; kiến nghị thu hồi 483,3 tỷ đồng, đã thu hồi được 177,7 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 2.906 cán bộ, công chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, có 45 trường hợp nộp lại quà tặng theo quy định với số tiền 739,1 triệu đồng.

Về kết quả thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, giai đoạn 2020-2024, có 2.060.550 người thực hiện kê khai tài sản thu nhập, tỷ lệ công khai đạt trên 98%; 37.106 người được xác minh tài sản, thu nhập; có 147 người bị kỷ luật do vi phạm quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập.

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ

Về công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, qua công tác thanh tra, đã chuyển cơ quan điều tra 119 vụ/355 đối tượng, khởi tố 76 vụ/159 đối tượng; ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 345 văn bản về cơ chế, chính sách, pháp luật được kiến nghị tại các kết luận thanh tra.

Trong kỳ báo cáo, tổng số tài sản (tạm tính) phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng là hơn 26.156 tỷ đồng. Tổng số tài sản đã áp dụng các biện pháp bảo đảm để thu hồi là hơn 6.421 tỷ đồng. Ngoài ra, tạm giữ 346 lượng vàng, kê biên 20 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với 1.125m2

ub-qc-.jpg
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu UBND thành phố Hà Nội. Ảnh: Nguyên Anh

Các tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện trên cả nước đã thụ lý xét xử sơ thẩm 2.932 vụ án với 7.583 bị cáo về 7 tội danh tham nhũng, trong đó phổ biến nhất là các vụ án về tội tham ô tài sản với 1.429 vụ án (2.418 bị cáo).

Cũng trong giai đoạn 2020-2024, có 264 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng; 73 người bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng.

Hà Nội kiểm điểm 230 tập thể, 574 cá nhân buông lỏng quản lý dẫn đến sai phạm

ub-chu-tri-.jpg
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu UBND thành phố Hà Nội. Ảnh: Nguyên Anh

Tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết: 5 năm qua, thành phố Hà Nội đã chủ động thực hiện đầy đủ, kịp thời, đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng (PCTN) theo chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, góp phần tính cực nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ và nhân dân trên địa bàn Thủ đô trong việc PCTN, tiêu cực.

Công tác PCTN, tiêu cực đã đạt được những kết quả quan trọng với những chuyển biến đáng ghi nhận. Từ năm 2019 đến tháng 6- 2024, qua công tác thanh tra, đã phát hiện vi phạm với tổng số tiền hơn 215 tỷ đồng; tiến hành kiểm điểm trách nhiệm đối với 230 tập thể và 574 cá nhân do thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý dẫn đến sai phạm; chuyển cơ quan điều tra 10 cuộc.

Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đã kiến nghị thu hồi 1.428 triệu đồng và 5.215m2 đất; trả cho công dân 83 triệu đồng và 302m2 đất; chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm 156 tập thể và 284 cá nhân để xảy ra sai phạm; chuyển cơ quan điều tra 21 vụ.

Cùng với đó, qua điều tra tham nhũng, Công an thành phố đã thụ lý 227 vụ/627 bị can.

Trong 5 năm, số tài sản tham nhũng đã thu hồi, khắc phục là 52,83 tỷ đồng và 2.990,6m2 đất.

Tại hội nghị, UBND thành phố Hà Nội đề xuất tiếp tục thực hiện “4 hơn” (làm tích cực hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa và hiệu quả hơn nữa) và "3 không" (không đùn đẩy, không né tránh và không đổ lỗi khách quan) với tinh thần “kiên quyết, kiên trì, không nghỉ, không ngừng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” trong đấu tranh PCTN, lãng phí, tiêu cực.

Thành phố Hà Nội cũng kiến nghị đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; tiếp tục đẩy mạnh công tác PCTN, lãng phí, tiêu cực ở địa phương, cơ sở, khắc phục tệ “tham nhũng vặt” và tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”…

Xử lý kịp thời, nghiêm minh sai phạm

Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, với những nỗ lực không ngừng, không nghỉ, công tác PCTN đã có những bước tiến mạnh mẽ, với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, ngày càng đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện. Qua đó, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước ta trong cuộc đấu tranh PCTN, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh để “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng… Cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao.

ub-a-phong-ttcp.jpeg
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Nguyên Anh

Tổng Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ một số hạn chế, yếu kém trong công tác PCTN, đó là: Công tác tuyên truyền, giáo dục liêm chính, xây dựng văn hóa không tham nhũng có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức; cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực.

Một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực còn hình thức, hiệu quả chưa cao, trong đó, cải cách hành chính chuyển biến chưa mạnh mẽ, thủ tục hành chính còn rườm rà, gây tốn thời gian, chi phí. Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ chưa mạnh; hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và nhân dân trong PCTN, tiêu cực chưa cao.

Từ thực tiễn công tác đấu tranh PCTN, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã đề xuất 5 giải pháp để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác này.

Theo đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nói chung và pháp luật về PCTN, trong đó, ưu tiên triển khai ngay việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về bộ máy nhà nước, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức cùng với quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương; tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, giảm bớt các thủ tục không cần thiết, gây khó khăn, phiền hà, là điều kiện nảy sinh tham nhũng, tiêu cực.

Tổng Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị tổ chức thực hiện đồng bộ các quy định của pháp luật về PCTN, tiêu cực, trong đó, vừa coi trọng các biện pháp phòng ngừa, vừa quyết liệt, nghiêm minh trong đấu tranh PCTN theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đó là PCTN một cách kiên quyết, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai; đồng thời, PCTN, tiêu cực phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, không vì đẩy mạnh PCTN, tiêu cực mà ảnh hưởng, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…

Đồng chí Đoàn Hồng Phong cũng đề nghị tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng về kiểm tra, kiểm toán, thanh tra, điều tra, kiểm sát, tòa án trong công tác PCTN... Cùng với đó, phát huy vai trò của xã hội trong công tác PCTN, tiêu cực; tăng cường sự giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp đối với công tác PCTN, tiêu cực và tăng cường hợp tác quốc tế để tiếp thu, học tập kinh nghiệm gắn với thực hiện có hiệu quả Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Coi trọng phòng ngừa, kết hợp xử lý nghiêm minh tham nhũng, tiêu cực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.