Tăng cường công tác giáo dục liêm chính, trước hết là đối với cán bộ, đảng viên, những người đang nắm giữ quyền lực để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa là đề án đang được nghiên cứu, trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục liêm chính.
Đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ tận tụy, sẵn sàng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Thực hiện nhất quán phương châm “bốn không”
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Phòng, chống tham nhũng “đã trở thành phong trào, thành xu thế” được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, hưởng ứng.
Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn diễn biến phức tạp, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm, y tế, khoáng sản... gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 308 tổ chức Đảng, 11.005 đảng viên. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Trung ương quản lý. Đáng chú ý, từ đầu năm 2024 đến nay, cấp có thẩm quyền đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 14 cán bộ diện Trung ương quản lý và 172 cán bộ diện cấp ủy địa phương quản lý, liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu hoặc liên quan các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực.
Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho biết, những năm qua, Đảng ta đã thực hiện nhất quán phương châm “bốn không” trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đó là “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng, tiêu cực. Qua đó, đã phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh, công bằng, công khai các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, việc nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật thời gian gần đây cho thấy, việc giáo dục, xây dựng đạo đức liêm chính cho cán bộ, đảng viên là một trong những việc làm cần thiết nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân.
Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục liêm chính
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tham nhũng, tiêu cực còn phức tạp, nghiêm trọng là do công tác phòng ngừa nhiều nơi còn hình thức; giáo dục liêm chính chưa tiến hành bài bản, sâu rộng, thường xuyên.
Tại Hội thảo khoa học “Công tác giáo dục liêm chính để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực trạng và giải pháp” thuộc đề án trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục liêm chính vừa diễn ra, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực xây dựng Đảng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa công tác giáo dục liêm chính thời gian tới.
Theo PGS.TS Lâm Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cần, kiệm, liêm, chính là mục tiêu hướng tới của quốc gia, dân tộc. Một cán bộ có liêm chính sẽ trở thành người lãnh đạo liêm chính. Để xây dựng văn hóa liêm chính trong cán bộ, đảng viên, cần tăng cường công tác bồi dưỡng, giáo dục đi kèm với chế độ đãi ngộ tương xứng. Bên cạnh đó, cần tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới trong việc đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng đi đôi với giáo dục liêm chính.
Còn theo Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương Vũ Văn Phúc, cần giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về liêm chính, vì chỉ có nhận thức đúng về liêm chính thì hành động sẽ liêm chính. Đặc biệt, phải nâng cao nhận thức để thực hành tốt Quy định số 144-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho rằng, cần giáo dục đạo đức, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trở thành nếp sống văn hóa của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân để không muốn tham nhũng, tiêu cực. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trung thực, công tâm, liêm khiết, tận tụy; được trả lương và đãi ngộ phù hợp với cống hiến, tài năng để không cần tham nhũng, tiêu cực.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, trong Văn kiện của Đảng, quy định của pháp luật, nội hàm liêm chính, ý nghĩa, tầm quan trọng của đạo đức liêm chính, văn hóa liêm chính đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được thể hiện khá rõ nét. Vì vậy, đẩy mạnh công tác giáo dục liêm chính là "chìa khóa" để xây dựng được một xã hội, một nhà nước liêm chính, của dân, do dân và vì dân.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến:
Nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài
Thời gian qua, các chủ trương của Trung ương, bộ, ngành đều được thành phố Hà Nội thực hiện nghiêm túc, trong đó có nhiệm vụ về giáo dục liêm chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Để làm sâu sắc hơn, rõ hơn về thực hiện giáo dục liêm chính, thời gian tới, Thành ủy Hà Nội sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, người đứng đầu đối với công tác này; coi công tác giáo dục liêm chính là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiên quyết khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết công việc và biểu hiện đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, sợ sai không dám làm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về văn hóa liêm chính; đưa nội dung giáo dục, bồi dưỡng về liêm chính vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị...
Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương Vũ Văn Phúc:
Tạo nên một đội ngũ cán bộ tốt
Sự liêm chính của cán bộ, đảng viên là đặc trưng của đạo đức cách mạng, là sự trong sạch, không tham lam, không tham nhũng, tiêu cực. Liêm chính thể hiện ở việc cán bộ, đảng viên kiên quyết đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực; không tham vọng quyền lực; không dùng quyền lực được giao để tham nhũng, tiêu cực trù dập người khác. Liêm chính cũng thể hiện ở thái độ ngay thẳng đúng đắn, luôn đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết trong tập thể.
Liêm và chính có mối quan hệ mật thiết với nhau. “Liêm” là gốc rễ, là động lực để mỗi cán bộ rèn luyện, cũng là cơ sở cho sự chính trực, thẳng thắn trung thực. Đối lập với “liêm chính” chính là sự bất nghiêm, bất chính, tham vọng quyền lực, dùng quyền lực của mình là tham nhũng. Chính vì vậy, việc xây dựng văn hóa liêm chính trong cán bộ, đảng viên sẽ tạo nên một đội ngũ cán bộ tốt, dám nghĩ, dám làm, dám hành động vì lợi ích chung.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng:
Xây dựng nền tảng đạo đức phải đi từ sự liêm chính
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực, sáng ngời về đạo đức cách mạng. Trước khi đi xa, Người căn dặn trong Di chúc: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”.
Xây dựng nền tảng đạo đức phải đi từ sự liêm chính. Liêm chính không chỉ là đạo đức của cá nhân, của xã hội mà còn là đạo đức của Đảng, phản ánh trí tuệ, văn hóa của Đảng, bảo đảm bản chất tốt đẹp của Đảng. Có liêm chính thì Đảng trong sạch, vững mạnh, Đảng "là đạo đức, là văn minh". Mỗi cán bộ liêm chính sẽ góp phần tạo nên đội ngũ liêm chính, hệ thống liêm chính. Việc xây dựng văn hóa liêm chính, chú trọng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lương tâm và danh dự cho mỗi cán bộ, đảng viên đòi hỏi những giải pháp căn cơ, lâu dài. Đây chính là gốc rễ, nền tảng để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Nguyên Anh ghi
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.