Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giáo dục - gắn học với hành!

Thống Nhất| 05/09/2018 06:00

(HNM) - Hôm nay 5-9, cùng với cả nước, hơn 100.000 nhà giáo và 1,9 triệu học sinh Thủ đô chính thức bước vào năm học 2018-2019 với quyết tâm tiên phong trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục...

Ngành Giáo dục - Đào tạo Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy trong năm học mới. Ảnh: Viết Thành


Đẩy mạnh giáo dục toàn diện

Năm học 2018-2019 là năm toàn ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai Nghị quyết 29-NQ/TƯ về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" và cũng là năm áp chót trong hành trình chuẩn bị các điều kiện để đưa chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới vào dạy và học.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 của ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đã giao nhiệm vụ cho thầy, trò toàn ngành tiếp tục dẫn đầu cả nước trong việc triển khai Nghị quyết 29-NQ/TƯ về đổi mới giáo dục. Đồng chí Ngô Văn Quý yêu cầu đội ngũ nhà giáo Thủ đô chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất học sinh, gắn học với hành để tạo nên những chủ nhân tương lai của Thủ đô phát triển toàn diện.

Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với hơn 2.600 trường học, gần 1,9 triệu học sinh, Hà Nội có nhiều lợi thế và cũng không ít thách thức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Sự quan tâm, đầu tư cho giáo dục hằng năm với mức chi từ ngân sách chiếm tới 25,5% và những kết quả nổi bật trong những năm qua, trong đó có vị trí dẫn đầu về thành tích học tập, phần nào minh chứng cho việc phát huy tốt lợi thế của Giáo dục Thủ đô. Tuy nhiên, yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và những tác động đa chiều từ xã hội, đòi hỏi ngành Giáo dục và Đào tạo phải quan tâm hơn đến công tác giáo dục toàn diện cho học sinh, trong đó có giáo dục kỹ năng, giúp các em không chỉ biết học, mà còn biết vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề của cuộc sống.

Ông Kiều Văn Minh, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) cho biết, năm học 2018-2019, các trường phổ thông trên địa bàn thành phố tập trung điều chỉnh nội dung giáo dục phổ thông hiện hành, tiếp cận định hướng của chương trình giáo dục phổ thông mới. Nội dung các môn học dần được triển khai theo hướng tích hợp, tăng thời lượng thực hành để rèn kỹ năng vận dụng, sáng tạo cho học sinh. Các nhà trường cũng tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức giáo dục hướng nghiệp gắn với thực tiễn, tránh bệnh hình thức. Ngoài giờ học trên lớp, các em được trải nghiệm thực tế tại nhiều cơ sở sản xuất, làng nghề, đơn vị kinh doanh, dịch vụ... Học sinh không chỉ được trang bị kiến thức về các ngành nghề cơ bản trong xã hội, mà còn nắm được những yêu cầu cần đạt của mỗi ngành nghề, từ đó xác định mức độ đáp ứng của bản thân để có định hướng phù hợp, hạn chế hiện tượng chọn nghề theo số đông.

Kiên trì giáo dục nếp sống văn minh

Cô và trò Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm) hăng say thực hành nghiên cứu khoa học. Ảnh: Nhất Thống


Theo ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, thời gian qua, do tác động đa chiều của đời sống xã hội và nhiều yếu tố khác đã khiến cho một bộ phận học sinh có những hành vi lệch lạc, lối sống thiếu chuẩn mực; các vụ việc vi phạm pháp luật trong học sinh có chiều hướng gia tăng... Do vậy, trong năm học 2018-2019, Hà Nội tiếp tục coi trọng công tác giáo dục đạo đức, nếp sống văn minh cho học sinh, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, là nền tảng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, đáp ứng yêu cầu của công cuộc phát triển đất nước.

Một trong những giải pháp được Hà Nội kiên trì triển khai những năm gần đây là tổ chức giảng dạy tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh" ở cả ba cấp học: Tiểu học, THCS, THPT. Ngoài ra, từ năm học 2018-2019, các nhà trường còn triển khai đại trà ở các lớp đầu cấp tài liệu “Giáo dục an toàn giao thông". Đây là nét riêng của ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô nhằm định hướng, chỉ dẫn hành vi của học sinh trong sinh hoạt, giao tiếp, ứng xử. Khác với môn học giáo dục đạo đức, giáo dục công dân, nội dung của các tài liệu tập trung chỉ dẫn cho học sinh cách ứng xử đúng, đẹp, nâng cao ý thức tự giác tuân thủ pháp luật, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật thông qua các tình huống, câu chuyện, hạn chế cách giáo dục bằng lý thuyết giáo điều.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai) cho biết: Vốn là một trường khá "nổi tiếng" vì có nhiều học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ, đánh nhau..., nhưng với việc kiên trì giảng dạy tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh, những hành vi chưa chuẩn mực trong học sinh dần được khắc phục. Nhằm giải quyết căn bản tình trạng vi phạm pháp luật, định hướng học sinh có ý thức, trách nhiệm hơn với việc học, năm học 2018-2019, nhà trường tập trung trang bị cho học sinh kỹ năng ứng phó với các tình huống có vấn đề trong cuộc sống. Ngoài việc xử lý tình huống qua câu chuyện được dàn dựng, nhà trường sẽ tổ chức cho học sinh trải nghiệm thực tế, tạo cơ hội để học sinh huy động tổng hợp kiến thức, kỹ năng của các môn học. Đây cũng là cơ hội để bạn bè thêm hiểu nhau, yêu thương và quý trọng nhau, từ đó biết sống có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, có ý thức chia sẻ, chung sức vì mọi người.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chỉ thị: Năm học 2018-2019, các địa phương thực hiện nghiêm kỷ cương, nền nếp, dân chủ, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng ứng xử văn hóa cho học sinh, sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục - gắn học với hành!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.