(HNM) - Giáo dục di sản là nhiệm vụ cần thiết để xây dựng nền tảng văn hóa, kiến thức lịch sử cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, muốn tổ chức hiệu quả, tránh tình trạng “cưỡi ngựa xem hoa”, lại là việc không đơn giản. Sự ra đời của những phương pháp giáo dục di sản mới, giàu tính sáng tạo thời gian qua đang mang đến những khởi sắc cho lĩnh vực còn không ít thử thách này.
“Mềm hóa” bài học lịch sử
Hội nghị sơ kết một năm hợp tác giáo dục di sản giữa Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội mới đây, đã công bố kết quả ấn tượng. Đó là con số hơn 19.000 lượt học sinh tiểu học và THCS tham gia các chương trình giáo dục di sản do Trung tâm cung cấp (trong khi đó, năm trước chỉ là 3.900 lượt học sinh).
Lý giải về bước tiến này, ông Nguyễn Thanh Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết, Trung tâm đã tổ chức nhiều khu vực tương tác và hoạt động trải nghiệm cho học sinh, xây dựng các chuyên đề giáo dục di sản phù hợp với từng cấp học, gắn các bài học lịch sử vào chương trình tìm hiểu di sản, với các chủ đề, như: Kể chuyện Hoàng thành Thăng Long; tìm hiểu lịch sử các triều đại Lý, Trần, Lê; di tích cách mạng chống Mỹ cứu nước trong lòng di sản Hoàng thành... “Mỗi chuyên đề đều có hướng tiếp cận mới, chú trọng khích lệ học sinh chủ động khám phá, tìm hiểu thông tin, từ đó ngấm sâu các bài học về di sản một cách tự nhiên”, ông Nguyễn Thanh Quang cho hay.
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng phối hợp với các nhà trường tổ chức những hoạt động tương tác, giao lưu để học sinh được học dưới nhiều hình thức, được thực hành và trải nghiệm một cách đầy hứng thú. Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (quận Đống Đa) Hoàng Thanh Thủy cho biết: Sau khi tìm hiểu về di sản, nhà trường cùng Trung tâm tổ chức thi vẽ lại hiện vật; in hoa văn cổ trên giấy dó; thử làm nhà khảo cổ; tọa đàm với chuyên gia, nhà sử học, nghệ nhân dân gian… Cách “chạm” vào quá khứ như thế, giúp những bài học lịch sử trở nên “mềm mại”, dễ thấm hơn.
Theo em Nguyễn Thu Vân, học sinh lớp 5A, Trường liên cấp Ngôi sao Hà Nội (quận Thanh Xuân), sau khi nghe thuyết minh về di tích cùng câu chuyện về những danh nhân, các em được giao phiếu thực hành, tham gia trò chơi dân gian gắn với những kiến thức vừa được học. Cách học này hấp dẫn, lý thú hơn rất nhiều, vì không chỉ đơn thuần là tiếp cận kiến thức qua sách vở.
Gieo mầm tình yêu di sản
Các bảo tàng, di tích có vai trò quan trọng trong việc giáo dục công chúng, nhất là thế hệ trẻ để xây dựng nền tảng văn hóa, kiến thức lịch sử một cách bền vững. Nhờ không ngừng nỗ lực, đã có nhiều bảo tàng, di tích tìm được hướng đi với các chương trình giáo dục di sản hấp dẫn, giàu bản sắc. Tiêu biểu như, Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám với lớp học xưa, bia Văn Miếu, vinh quy bái tổ, đi tìm linh vật…; Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam với phòng khám phá; Bảo tàng Lịch sử quốc gia với văn minh Đại Việt, Việt Nam thời tiền sử…
Tuy nhiên, có không ít điểm đến chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực này. Theo Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, chương trình học ở nhiều trường còn nặng, việc sắp xếp thời gian cho hoạt động ngoại khóa còn khó khăn, nên các mô hình hợp tác giáo dục di sản chưa được nhân rộng. Còn theo Trưởng ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò Nguyễn Thị Bích Thủy, hạ tầng trong khu di tích chưa đáp ứng được số lượng học sinh đông, dễ dẫn đến quá tải...
Để khắc phục những hạn chế, nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục di sản, Nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng, giải pháp vẫn là tìm được cách làm, chương trình phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế cũng như đặc trưng, câu chuyện của di sản để phát triển. Chẳng hạn, với Hoàng thành Thăng Long, có thể tái hiện lịch sử bằng phương pháp sân khấu hóa, phục hồi các nghi thức trong cung đình. Còn các di sản có diện tích hạn chế có thể đầu tư cho các chương trình ứng dụng khoa học, công nghệ tham quan di sản, tổ chức các chương trình giáo dục di sản dành riêng cho các em nhỏ với gia đình. Ngoài ra, cần tính đến các giải pháp khắc phục hạn chế về cơ sở hạ tầng, trang bị đồ dùng, dụng cụ, bổ sung hệ thống dịch vụ, sản phẩm lưu niệm giàu bản sắc, phục vụ nhu cầu của đối tượng tham gia trải nghiệm.
Theo Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phạm Đình Phong, giáo dục di sản là một trong những giải pháp quan trọng trong nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản, bổ trợ hiệu quả cho công tác giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử tại các nhà trường. Để phát huy tích cực, các mô hình cần có sự chung tay từ nhiều phía. Các nhà trường cần tạo điều kiện, bố trí thời gian để học sinh tham gia; còn đơn vị quản lý di tích cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo, để có thêm nhiều chương trình hấp dẫn, lý thú, khơi dậy tình yêu di sản trong giới trẻ.
“Các bảo tàng, di tích cần tăng cường diễn giải di sản qua hệ thống di tích, di vật phong phú, tổ chức các bài học lịch sử xuyên suốt, gắn liền với các giá trị văn hóa, lịch sử của di tích”, ông Phạm Đình Phong nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.