(HNM) - Hơn một năm thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử theo Quyết định số 08/2015/QĐ-TTg ngày 9-3-2015 của Thủ tướng Chính phủ về “Thí điểm về giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và đề nghị cấp sổ BHXH, BHYT”, BHXH TP Hà Nội
Doanh nghiệp, người dân hài lòng
Nói về sự tiện lợi của việc ứng dụng và sử dụng mạng điện tử, bà Nguyễn Thu Hà (phường Văn Miếu, quận Đống Đa) cho biết: “Chỉ cần vào Cổng thông tin điện tử BHXH TP Hà Nội, chọn mục “Tra cứu quá trình đóng BHXH bắt buộc” rồi điền một số thông tin cá nhân là đã nhận được kết quả đóng BHXH, BHYT, BHTN cá nhân trong những năm gần đây. Trong đó, thông tin được diễn giải chi tiết về tổng tiền lương đóng, lương chính, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp nghề, mức đóng, tổng số tiền đã đóng”. Từ khi biết được cách tra cứu này, bà Hà đã hướng dẫn cho nhiều hàng xóm tra cứu, nắm rõ thông tin về việc đóng BHXH, BHYT, BHTN của cá nhân.
Thực hiện giao dịch điện tử trong giải quyết và chi trả trợ cấp BHXH ngắn hạn sẽ rút ngắn quy trình, thủ tục, giảm phiền hà cho doanh nghiệp và người lao động.Ảnh: Sơn Hà |
Với bà Nguyễn Thị Vân Huyền, chuyên viên Ban Tổ chức và Nhân sự của Công ty TNHH một thành viên Kỹ thuật máy bay - Công ty A76 - (thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam), việc ứng dụng giao dịch điện tử mang lại tiện ích rõ rệt. Công ty A76 có hơn 2.000 cán bộ, công nhân viên nên trước đây khi BHXH thành phố chưa triển khai giao dịch điện tử thì mỗi tháng bà phải đi lại ít nhất 2 lần để nộp bảo hiểm cho người lao động. Chưa kể nếu sai sót, nhầm lẫn thì còn phải đi lại nhiều lần. Từ tháng 12-2015, thực hiện giao dịch điện tử, bà Huyền chỉ cần ngồi tại công ty nhập thông tin theo mẫu. Hơn nữa, phần mềm giao dịch điện tử hiện nay còn hỗ trợ nhiều chức năng tự động giúp giảm sai sót khi kê khai và cũng xem được quy trình giao dịch ngay trên mạng. Điều này giúp cho những cán bộ làm công tác bảo hiểm của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố giảm tải được công việc.
Giảm áp lực, giảm chi phí
Hà Nội là một trong những địa phương có số đối tượng tham gia và thụ hưởng các chế độ chính sách BHXH, BHYT, BHTN đứng đầu cả nước, lại thường xuyên biến động nên số lượng hồ sơ tiếp nhận và giải quyết rất lớn. Trung bình hằng tháng, BHXH TP Hà Nội và BHXH các quận, huyện, thị xã tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả cho trên 110.000 lượt tổ chức, cá nhân đến giao dịch với số lượng trên 550.000 hồ sơ hành chính. Trước thực tế đó, BHXH TP Hà Nội đã chú trọng đến công tác cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào các khâu nghiệp vụ. Ngay khi có Quyết định số 08/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, BHXH thành phố đã ban hành văn bản gửi các đơn vị nói rõ yêu cầu nhiệm vụ trong triển khai giao dịch điện tử. Cùng với đó, BHXH thành phố bố trí hệ thống máy móc, nhân sự thành thạo chuyên môn, giỏi CNTT để bảo đảm việc vận hành giao dịch điện tử được thông suốt.
Chỉ một tháng sau khi Quyết định số 08/2015/QĐ-TTg có hiệu lực (1-5-2015), tháng 6-2015, BHXH thành phố đã chính thức triển khai thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử trên 11 nghiệp vụ liên quan đến lĩnh vực thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT. Tính đến ngày 31-12-2016, đã có 45.692/53.767 đơn vị thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử (chiếm 84,98% đơn vị sử dụng BHXH, BHYT). Trong đó, tỷ lệ các đơn vị là doanh nghiệp có trên 10 lao động thực hiện giao dịch điện tử là 14.723/15.334 đơn vị đạt tỷ lệ 96,02%. Để tạo thuận lợi cho người dân, BHXH thành phố cũng đã phối hợp với Công an thành phố và Sở Tư pháp xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện giao dịch điện tử và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính đến toàn bộ các xã, phường của 30 quận, huyện. Qua đó, rút ngắn thời gian cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi từ 7 ngày xuống còn dưới 2 ngày (đối với địa bàn quận) và dưới 3 ngày (đối với địa bàn huyện).
Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho đơn vị sử dụng lao động và người dân, BHXH thành phố đã cung cấp các tiện ích trên Cổng thông tin điện tử của BHXH thành phố giúp cho đơn vị sử dụng lao động và người dân có thể tìm kiếm, tra cứu kết quả giải quyết hồ sơ, kết quả đóng bảo hiểm hằng năm của từng người lao động và kết quả đóng bảo hiểm hằng tháng của đơn vị sử dụng lao động. Đặc biệt, trong năm 2016, việc sử dụng file điện tử và chữ ký số trên Cổng thông tin điện tử của BHXH thành phố, không sử dụng văn bản giấy đã tiết kiệm rất nhiều thời gian, cước phí. Theo ông Lê Văn Long, Trưởng phòng CNTT của BHXH TP Hà Nội: Việc áp dụng giao dịch điện tử đã giảm đáng kể lượng giao dịch trực tiếp tại bộ phận “một cửa” của BHXH thành phố và BHXH các quận, huyện. Qua đó, giảm áp lực cho cán bộ “một cửa”, đồng thời, giảm chi phí giấy tờ và chi phí, công sức đi lại. Hơn nữa, trước đây thông báo gửi đi thường có khoảng 15% trường hợp không đến tay người nhận do không tìm thấy địa chỉ, nay thông tin qua mạng thì đơn vị ở đâu cũng cập nhật được thông tin. Với quyết tâm thực hiện nghiêm túc “Năm kỷ cương hành chính 2017”, BHXH TP Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh giao dịch điện tử. BHXH thành phố cũng coi là một kênh để đánh giá chất lượng làm việc của viên chức, nhằm nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.