Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giao bảo vệ rừng để… phá rừng

Xuân Quang| 22/04/2013 06:58

(HNM) - Theo nội dung đơn kiến nghị của nhiều cán bộ, nhân viên của Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển nông, lâm nghiệp Sóc Sơn thì đất rừng Sóc Sơn đang bị biến dạng và mua bán, chuyển nhượng trái phép.


Theo nội dung đơn kiến nghị của nhiều cán bộ, nhân viên của công ty thì đất rừng Sóc Sơn đang bị biến dạng và mua bán, chuyển nhượng trái phép. Hiện tại việc giao khoán đất rừng cho các hộ gia đình được thực hiện theo hợp đồng thời gian giao đất 30 năm theo các giai đoạn từ năm 1988, 1989 đến năm 2000. Riêng việc giao khoán bảo vệ rừng, Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển nông, lâm nghiệp Sóc Sơn đã ký hợp đồng khoán trông coi, bảo vệ rừng với các hộ theo hình thức khoán gọn, thời gian nhận khoán là một năm, hộ nhiều nhất tới 121,6ha. Việc thực hiện các nghị định của Chính phủ về giao khoán đất rừng (Nghị định số 02/CP năm 1995, Nghị định 135/CP năm 2005, Nghị định 163), công ty triển khai rất chậm với lý do chưa có văn bản pháp lý hướng dẫn cụ thể. Công ty chưa đo đạc đất lâm nghiệp, chưa có bản đồ địa chính, chưa cắm mốc giới ngoài thực địa để xác định quyền của chủ rừng. Đây chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến những sai phạm trong việc chuyển nhượng đất rừng và tình trạng xây dựng trái phép trên đất rừng, thực tế đã làm hủy hoại những cánh rừng tại huyện Sóc Sơn.

Khu nhà của bà Đỗ Mỹ Linh trên đất lâm nghiệp.



Mới đây, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có văn bản số 57, kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp của Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển nông, lâm nghiệp Sóc Sơn trên địa bàn 7 xã huyện Sóc Sơn. Tại xã Minh Phú, nhiều trường hợp công nhân của công ty mới nhận giao đất đã tự ý chuyển nhượng, xây dựng trái phép. Điển hình là trường hợp ông Ngô Văn Cam được giao khoán tới 126ha rừng, năm 1990, ông Cam còn được xã Minh Phú cho "mượn" thêm 15ha đất trống, đồi trọc và 18ha trước đây là trận địa pháo của đơn vị quân đội. Trên diện tích hiện có, ông Cam đã tự ý xây dựng nhiều công trình với khoảng 1.200m2, gồm khu nhà hàng, nhà nghỉ 4 tầng, nhà cấp 4 tường gạch mái ngói. Hộ gia đình bà Ngô Thị Loan được giao 3.856m2 đất rừng, năm 2002 đã chuyển nhượng cho 4 hộ khác… và đã xây dựng nhà ở, nhà sàn. Hiện tại, các hộ nhận khoán đều cho xây dựng tường bao, bên trong xây dựng nhà kiên cố, đào ao thả cá, làm sân vườn, trồng cây ăn quả, biến đất rừng thành đất ở lâu dài. Trên địa bàn xã Minh Phú hiện nay, tình trạng chuyển nhượng đất rừng diễn ra khá nghiêm trọng với nhiều diễn biến phức tạp. Nhiều hộ dân từ nội thành Hà Nội lên mua đất, đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái, nhà nghỉ dưỡng, kinh doanh hàng ăn... Điển hình là hộ ông Đỗ Xuân Lâm chuyển nhượng cho bà Đỗ Mỹ Linh tới 12.691m2 đất rừng, hiện bà Linh đã xây dựng các công trình nhà ở, nhà để xe, bể bơi, ao thả cá… và tường rào bao quanh khu đất. Tình trạng đất rừng đã bị chuyển nhượng, bán trao tay qua nhiều chủ hộ đang là vấn đề bức xúc trong công tác quản lý, bảo vệ đất rừng Sóc Sơn. Theo kết luận của Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tại thửa đất số 6, tờ bản đồ số 35, UBND xã Minh Phú đã xác nhận bà Nguyễn Thị Sen chuyển nhượng 5.600m2 đất rừng phòng hộ cho ông Đỗ Văn Kháng, năm 2010, ông Kháng đã xây dựng nhà hai tầng và nhiều công trình phụ trợ khác như đường bê tông, công trình phụ...

Ở các xã Phù Linh, Nam Sơn, Quang Tiến, Hiền Ninh, Tiên Dược và Hồng Kỳ cũng có nhiều trường hợp tự chuyển nhượng đất rừng đặc dụng, các hộ dân tự dựng hàng rào lưới thép, xây dựng các công trình nhà ở kiên cố, kinh doanh dịch vụ du lịch mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Đáng lưu ý là hằng năm, nhiều hộ nhận giao đất rừng vẫn được hưởng kinh phí Nhà nước trả chi phí quản lý và bảo vệ rừng. Có thể nói tình trạng tự ý chuyển nhượng, xây dựng trái phép gặm nhấm đất rừng đặc dụng Sóc Sơn kéo dài năm này sang năm khác mà không có cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý. Đáng nói hơn, UBND huyện Sóc Sơn đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 229 hộ trên diện tích đất rừng phòng hộ cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển nông, lâm nghiệp Sóc Sơn được giao quản lý.

Chính quyền dửng dưng?

Những sai phạm trong quản lý đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng của Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông, lâm nghiệp Sóc Sơn là rất nghiêm trọng. Tại Công văn số 57, kết luận thanh tra do Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Hữu Nghĩa ký đã khẳng định: Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển nông, lâm nghiệp Sóc Sơn ký hợp đồng không đúng quy định của pháp luật cho Công ty cổ phần Cờ Đỏ thuê 2.200m2 nhà xưởng và sân bãi trên diện tích đất khu văn phòng công ty để sản xuất, kinh doanh lắp ráp cụm bánh xe máy, do khâu quản lý đất lâm nghiệp đã để khu dân cư lâm nghiệp xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao trên diện tích 3.000m2 đất rừng tại khu lâm nghiệp xã Minh Phú. Công ty đã để các hộ dân nhận khoán tự ý mua bán, chuyển nhượng đất lâm nghiệp, tự chuyển đổi mục đích sử dụng và xây dựng công trình nhà ở, sân, hàng rào kiên cố. Đặc biệt, sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ số 754/TTCP, công ty và UBND các xã chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm các sai phạm. Việc điều chỉnh diện tích đất ở trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để cấp cho các hộ trên diện tích đất rừng phòng hộ và rừng đặc dụng còn chậm, mới hiệu chỉnh được 32/123 giấy chứng nhận vượt hạn mức cho cán bộ, công nhân viên công ty. Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu dừng ngay việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở thuộc rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, nhưng UBND huyện Sóc Sơn và Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển nông, lâm nghiệp Sóc Sơn vẫn để xảy ra nhiều vụ xây dựng trái phép làm hao tổn nhiều diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng.

Mới đây, trong đơn kiến nghị của công nhân công ty, phản ánh những sai phạm của Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển nông, lâm nghiệp Sóc Sơn Nguyễn Thị Thu Hằng như cho san lấp toàn bộ khu ao cá trước văn phòng làm việc của công ty khoảng 1.300m2, chia làm nhiều ô thửa; cho lấp khu ao số 2 diện tích khoảng 3.000m2 làm nhiệm vụ điều tiết nguồn nước và chứa nước trong mùa mưa giúp phòng, chống cháy rừng được bán cho Công ty Bách Khang Niên. Bên cạnh đó, công nhân công ty còn đề nghị phải làm rõ và công khai việc sử dụng 4ha đất rừng chuyển thành mô hình trồng lan cho một nhóm hộ; việc khai thác chặt phá gỗ thông khi làm đường điện Vân Trì- Sóc Sơn không xử lý rõ ràng; việc lập chứng từ khống mua phân bón cho 30ha rừng để rút tiền ngân sách nhà nước… Công nhân còn phản ánh lãnh đạo công ty tự ý xây dựng hạ tầng, giao khoán cho người lao động 150m2/người tại khu vườn ươm cây giống, thu tiền giao khoán tới 2,8 tỷ đồng; thuê cá nhân làm hạ tầng chỉ hết 250 triệu đồng nhưng ký hợp đồng khống với một công ty khác hợp thức chứng từ rút 1,3 tỷ đồng chia nhau.

Những lình xình trong quản lý, sử dụng đất rừng Sóc Sơn, nhiều hành vi "phù phép" biến đất rừng đặc dụng và phòng hộ thành đất ở diễn ra nhiều năm qua nhưng không được chính quyền cấp nào xử lý. Rừng ngày càng nghèo kiệt, khi người ta đua nhau "xẻ thịt" băm nát đất rừng để làm nhà kiên cố, mở khu sinh thái dịch vụ, quán hàng, xây tường bao quanh mà tại sao chính quyền vẫn cứ làm ngơ. Tại văn bản số 57 ngày 15-1-2013 của Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã kết luận: Để xảy ra những sai phạm trong quản lý sử dụng đất rừng Sóc Sơn hoàn toàn thuộc về ban lãnh đạo và Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển nông, lâm nghiệp Sóc Sơn và kiến nghị cần tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân về những vi phạm trong việc chấp hành các quy định pháp luật đất đai của công ty.

Rất tiếc sau kết luận của Thanh tra, sự việc ở Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển nông, lâm nghiệp Sóc Sơn vẫn không được xử lý, mà ngày 8-4-2013, công ty lại có quyết định chuyển thành đơn vị sự nghiệp công lập, trực thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội. Dư luận rất băn khoăn khi những sai phạm của Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển nông, lâm nghiệp Sóc Sơn chưa bị xử lý, rừng Sóc Sơn tiếp tục bị tàn phá, trong khi đó, những người có trách nhiệm lại dửng dưng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giao bảo vệ rừng để… phá rừng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.