Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảng dạy toán ở Anh thế kỷ XVII

Vũ Kim Thủy - Hoàng Trọng Hảo| 16/11/2014 06:43

Từ thế kỷ XVII, giáo dục ở Anh đã đạt những thành tựu và tạo nền tảng lâu dài cho sự phát triển. Năm 1616, Scotland là nơi đầu tiên yêu cầu mỗi giáo xứ phải thành lập một trường học và tìm giáo viên cho trường.

Chính quyền đã giám sát việc thành lập trường tại các thị trấn.

Tại nhiều nơi, chất lượng giáo dục được giám sát bởi hội đồng địa phương. Đến năm 1646, chủ đất của mỗi vùng được yêu cầu cung cấp một tòa nhà thích hợp cho một trường học, đồng thời phải chi trả tiền lương cho các giáo viên. Chính quyền cũng có những biện pháp khuyến khích phụ huynh mang con đến trường. Thậm chí có nơi, phụ huynh bị phạt tiền nếu không cho con đi học. Giáo dục gần như trở thành bắt buộc ở một số vùng. Dần dần, chính quyền đã chi nhiều tiền hơn để mở các trường ở những vùng nông thôn.

Đến giữa thế kỷ XVII, ở một số thị trấn lớn, trường học đã trở nên chuyên biệt. Chính quyền đã cấp phép để thành lập trường tư. Trẻ em đến trường tư được học những kiến thức cơ bản về đọc, viết và tính toán. Sau đó, trẻ được chuyển đến trường trung học để bắt đầu học bằng tiếng Latin. Một số trường trung học đã dạy những kiến thức nền tảng về số học và hình học Euclide cho dự bị đại học.

Từ đầu thế kỷ XVII, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy toán học, các trường đại học ở Anh đã sửa đổi một phần kiến thức so với những giáo trình cũ. Cả hai Trường Đại học Oxford và Cambridge đã có những giáo sư giảng dạy toán xuất sắc. Trong giai đoạn này, tuy số sinh viên mong muốn đi theo con đường nghiên cứu toán học vẫn rất ít nhưng hai trường đã đào tạo được một số nhà toán học tài năng. Năm 1613, tại Aberdeen, thuộc Scotland đã hình thành chức danh giáo sư toán. Do ảnh hưởng của điều này, năm 1619, Đại học Oxford cũng hình thành chức danh giáo sư hình học. Điều đó thúc đẩy sự phát triển của toán học tại đây. Đại học Cambridge thì mãi đến năm 1662 mới có chức danh này. Nhờ sự phát triển của toán học, các trường đại học ngày càng lớn mạnh, dẫn đến sự tách riêng thành những trường đại học mới. Nhằm phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp cũng như đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội, nhiều trường đại học về toán và thương mại đã được thành lập mới tại nước Anh.

Với sự phát triển của toán học và khoa học trong các trường đại học, thập niên 1640, tại Đại học Gresham ở London đã hình thành một nhóm các nhà khoa học. Đến cuối thập niên 1650, một hội khoa học dần được hình thành trên cơ sở các giáo sư giảng dạy đại học. Đây là tiền thân để hình thành nên Hội Hoàng gia London vào năm 1660. Sự liên kết giữa các giáo sư đã cung cấp nhiều kiến thức thực tế và hữu ích trong toán học, khoa học. Đồng thời, sự thành lập Hội Hoàng gia cũng thúc đẩy việc tổ chức các hội thảo khoa học và thử nghiệm các thí nghiệm mới. Trong mục tiêu của hội này, tri thức được giảng dạy trong các trường công bằng cả tiếng Latin và tiếng Anh. Nhiều chủ đề giảng dạy như toán học hay thiên văn học đã thu hút số lượng lớn người dân theo học.

Kết quả kỳ trước. Thư viện lớn nhất Châu Âu ngày nay ở Birmingham, Anh. Trao giải 50.000 đồng/người cho bạn Đặng Kỳ Bảo (THCS Đông Thái).

Kỳ này. Isaac Newton (1643-1727) từng học tại trường đại học nào ở Anh? Câu trả lời gửi về chuyên mục “Toán học, học mà chơi”, Tòa soạn Báo Hànộimới, 44 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giảng dạy toán ở Anh thế kỷ XVII

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.