(HNM) - Có một thông tin mới đây trên mạng internet đang gây sự chú ý với nhiều người: Việt Nam nằm trong tốp 10 nước có số lượng du học sinh (HS) đông nhất thế giới.
Quản lý hoạt động tư vấn du học là điều hết sức cần thiết. |
Thực tế cho đến nay, Bộ GD-ĐT chưa có thống kê chính xác nào về số lượng du HS Việt Nam tại các nước, song có điều rõ ràng rằng, con số này ngày càng tăng. Điều này đặt ra không ít thách thức đối với công tác quản lý.
Số lượng cơ sở tư vấn du học nhiều
Nhu cầu đi du học nước ngoài tăng dẫn đến sự ra đời của các công ty, trung tâm tư vấn du học (TVDH) trên khắp cả nước, trong đó tập trung ở các thành phố, nơi điều kiện kinh tế - xã hội phát triển. Các tổ chức TVDH đã góp phần đáp ứng nhu cầu cho HS và những người muốn tìm hiểu thông tin, muốn được cung cấp các hình thức dịch vụ trung thực về học tập, nâng cao kiến thức ở nước ngoài.
Theo thống kê chưa đầy đủ, TP Hồ Chí Minh có khoảng 1.000 công ty TVDH, trong đó số được cấp phép là gần 100 cơ sở; số lượng công ty, trung tâm TVDH ở Hà Nội tính đến cuối năm 2015 là gần 300 cơ sở, tăng hơn gấp hai lần so với số liệu thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội vào cuối năm ngoái.
Các cơ sở TVDH tập trung tại 20/30 quận, huyện của Hà Nội, trong đó quận Cầu Giấy có nhiều cơ sở TVDH nhất với 55 cơ sở, tiếp đến là quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm - 33 cơ sở, Đống Đa - 31 cơ sở, Ba Đình - 25 cơ sở, Hai Bà Trưng - 20 cơ sở... Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, tổng số HS đã tư vấn và đang theo học các chương trình ngắn hạn, dài hạn tại các trung tâm TVDH là gần 3.000 em.
Cho đến nay, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai trong số rất ít các địa phương công khai và thường xuyên cập nhật danh sách các đơn vị có dịch vụ TVDH trên website của Sở GD-ĐT. Đây cũng là hai đơn vị đầu tiên trên cả nước thành lập bộ phận quản lý cơ sở, trung tâm TVDH trực thuộc Sở GD-ĐT với nhiệm vụ chuyên trách về lĩnh vực này. Ngoài việc công khai tên đơn vị, các Sở GD-ĐT còn niêm yết danh tính, số điện thoại của người đứng đầu đơn vị, địa chỉ giao dịch, ngày được cấp phép...
Việc này không chỉ tạo căn cứ pháp lý cho công tác kiểm tra, giám sát, tạo thuận lợi cho sự phát triển của những cơ sở TVDH hoạt động nghiêm túc, mà còn tạo kênh thông tin hữu ích cho phụ huynh, HS khi có nguyện vọng sử dụng dịch vụ TVDH. Thực tế triển khai cách thức này của Hà Nội thời gian qua được đánh giá khá tích cực đối với công tác quản lý TVDH trên địa bàn, hạn chế nguy cơ thiệt hại, rủi ro cho phụ huynh, HS.
Nguy cơ rủi ro tăng
Từ số liệu thống kê của cơ quan quản lý, không khó để có thể thấy, so với thực tế, dịch vụ TVDH hoạt động với số lượng lớn và tấp nập hơn nhiều. Đây cũng là điều mà đại diện các địa phương từng nhìn nhận, song do nhiều yếu tố, công tác quản lý các trung tâm TVDH còn vướng nhiều bất cập.
Mục 2, Điều 12, Chương 3 trong Quyết định số 05/2013/QĐ-TTg ngày 15-1-2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc công dân ra nước ngoài học tập có nêu rõ một trong những trách nhiệm của tổ chức TVDH là: "Chịu trách nhiệm trước pháp luật và cung cấp công khai thông tin liên quan đến cơ sở đào tạo, tình trạng kiểm định và công nhận chất lượng đào tạo của cơ quan chức năng nước sở tại cho người có nhu cầu đi du học". Bà Bùi Thị Minh Nga, Trưởng phòng Giáo dục có yếu tố nước ngoài, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Hà Nội luôn yêu cầu các tổ chức dịch vụ TVDH trước khi ký kết hợp đồng hợp tác phải yêu cầu đối tác cung cấp hồ sơ pháp lý để bảo đảm tư cách pháp nhân.
Tuy nhiên, trên thực tế, lãnh đạo một số tổ chức TVDH không chú ý đến điều này, hoặc hợp đồng giữa hai bên không rõ ràng dẫn đến tình trạng HS bỏ trốn, vi phạm pháp luật hoặc xảy ra khiếu kiện về tài chính, quyền lợi của du HS không được bảo đảm.
Còn một thực tế khác, đó là có không ít phụ huynh vì không có thời gian, không rành thông tin chọn trường cho con du học nên phó thác hoàn toàn cho các trung tâm TVDH. Chị Nguyễn Thị Mai Hoa (quận Long Biên) ký hợp đồng làm giấy tờ cho con du học Canada với số tiền là 200 USD, thời gian hoàn thành thủ tục là sau 3 tháng. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian này, phía công ty lại yêu cầu đóng thêm 150 USD thì mới có thể hoàn tất thủ tục, rồi lại chờ thêm 1 tháng nữa... Cuối cùng, thủ tục xin visa vẫn không thể hoàn thiện. Gia đình chị Hoa phải xoay xở đủ cách mới đòi lại được một nửa số tiền đã đóng.
Thực tế ấy đòi hỏi phải có sự quản lý chặt chẽ đối với loại hình dịch vụ trên, để phụ huynh, HS không bị rơi vào "mê hồn trận", chịu thiệt hại về tài chính và thời gian, công sức. Quyết định số 05/2013/QĐ-TTg có nêu: Sở GD-ĐT có thẩm quyền đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận hoạt động dịch vụ TVDH đã cấp. Tuy nhiên, thực tế để làm được điều này không dễ, bởi công tác kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức TVDH đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều lực lượng.
Chưa kể, nội dung về trách nhiệm của tổ chức dịch vụ TVDH vẫn còn chung chung, chưa nêu rõ chế độ báo cáo, kết quả hoạt động với cơ quan quản lý. Việc thông tin báo cáo chủ yếu phụ thuộc vào ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở TVDH. Quá trình nắm bắt số lượng và tình hình hoạt động của các tổ chức TVDH tại từng địa bàn cũng đòi hỏi sự chung tay của nhiều sở, ngành, bởi riêng ngành Giáo dục dù có nỗ lực đến mấy cũng không thể quản lý hiệu quả.
Sở GD-ĐT Hà Nội kiến nghị Bộ GD-ĐT trong năm 2016 có công hàm chính thức đến các đại sứ quán trong việc xác nhận các trường học được tuyển HS quốc tế; có quy định cụ thể yêu cầu các tổ chức tư vấn du học phải xuất trình giấy chứng nhận hoạt động trước khi cấp visa cho HS đi du học; hằng năm có tổng kết, đánh giá về vấn đề du học tự túc trên toàn quốc để chia sẻ kinh nghiệm và thống nhất quản lý. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.