(HNM) - Mới đây, một nhóm thợ lặn tình nguyện bảo vệ môi trường đã vớt hàng nghìn túi ni lông rác thải dưới biển ở ngoài khơi đảo Andros của Hy Lạp. Họ cũng đã tìm thấy một "vịnh đầy san hô nhựa” - hậu quả từ vụ đổ rác xuống biển 8 năm trước. Đây chỉ là một góc rất nhỏ trong “bức tranh” ô nhiễm rác thải nhựa mà thế giới đang phải đối mặt.
Theo một báo cáo của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), Aegean thuộc Địa Trung Hải là một trong những vùng biển có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa cao nhất thế giới. Nhóm thợ lặn thuộc Aegean Rebreath chuyên tình nguyện thực hiện các hoạt động dọn rác trong lòng đại dương và ở bờ biển đã thực sự sốc khi tận mắt chứng kiến mức độ tích tụ rác thải nhựa tại đây.
Arabella Ross, một thành viên của Aegean Rebreath, chia sẻ: "Đó thực sự là một cảnh tượng đáng sợ. Tôi nghĩ ai cũng sẽ rất sốc khi nhìn thấy hình ảnh này".
Thợ lặn Ross cho biết, trong tháng vừa qua, Aegean Rebreath cũng đã vớt lên 300kg lưới đánh cá do các tàu cá bỏ lại ở vùng biển ngoài khơi đảo Andros. Trước đó, trong một chiến dịch hồi tháng 6, nhóm này đã thu gom 2 tấn rác ở vùng biển ngoài khơi đảo Salaminia gần thủ đô Athens của Hy Lạp.
Những năm gần đây, ô nhiễm rác thải nhựa ở biển đã trở thành một trong những hiểm họa đặc trưng cho sự tàn phá của con người đối với trái đất. Theo một báo cáo mới nhất của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), hiện có tới 5.000 tỷ chiếc túi nhựa được sử dụng trên thế giới mỗi năm. Nếu xếp cạnh nhau, chúng có thể bao trùm một khu vực rộng gấp đôi diện tích nước Pháp.
Mỗi phút, toàn thế giới tiêu thụ 1 triệu chai nhựa. Tổng cộng, mỗi năm, thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, gần tương đương với trọng lượng của toàn bộ dân số toàn cầu. Loại chất dẻo này chiếm 10% tổng lượng chất thải hiện đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế và sức khỏe con người. Chỉ tính riêng năm 2018, các nhà sản xuất trên thế giới đã sản xuất ra 360 triệu tấn nhựa.
Rõ ràng, ô nhiễm rác thải nhựa - còn gọi là “ô nhiễm trắng” - đang đe dọa trực tiếp đến thế hệ hiện tại và tương lai. Đứng trước thảm họa này, nhiều quốc gia đã tích cực vào cuộc. Vì không có phương án hữu hiệu nào để có thể loại bỏ rác nhựa nên việc làm cấp bách hiện nay là phải cắt giảm lượng đồ nhựa dùng một lần trong hoạt động hằng ngày.
Hiện đã có 80 nước trên thế giới đưa ra những lệnh cấm đối với các vật dụng này. Liên minh châu Âu (EU) được xem là khu vực đi đầu trong nỗ lực trên khi đã đề xuất cấm các sản phẩm bằng nhựa dùng một lần, đồng thời kêu gọi thu gom hầu hết các loại chai nhựa vào năm 2025.
Tuy nhiên, khi nhựa đã trở thành một trong những vật liệu phổ biến nhất thế giới nhờ tính hữu dụng cũng như chi phí sản xuất thấp, việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa đòi hỏi nỗ lực của cả cộng đồng, từ quyết tâm chính trị tới thay đổi nhận thức, từ cam kết tới hành động cụ thể.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.