Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bổ sung các quy định để xử lý dứt điểm đối với tổ chức tín dụng yếu kém

Đình Hiệp| 10/06/2023 16:31

(HNMO) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, chiều 10-6, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai đã phát biểu thảo luận tại hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Trong đó, đại biểu kiến nghị bổ sung các quy định trong dự thảo Luật để xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu thảo luận.

Đối với các vấn đề nâng cao yêu cầu quản trị hoạt động của tổ chức tín dụng, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, quy định về “Người có liên quan” theo Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 có 3 hàng thừa kế, tại dự thảo Luật mới quy định đến 2 hàng thừa kế, còn thiếu hàng thừa kế thứ 3 của cá nhân (gồm: cụ nội, cụ ngoại). Trên thực tế, xảy ra nhiều trường hợp phát sinh người có liên quan trong hoạt động ngân hàng từ thừa kế. Do vậy, đại biểu kiến nghị rà soát, bổ sung các đối tượng thuộc các hàng thừa kế theo quy định của Bộ luật Dân sự, để đảm bảo thống nhất. 

Về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, phá sản tổ chức tín dụng, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai đề nghị, để xử lý dứt điểm đối với tổ chức tín dụng yếu kém, dự thảo Luật cần rà soát, bổ sung quy định về kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước quy định (nêu tại khoản 5, Điều 160 dự thảo Luật) theo hướng quy định cụ thể các thời hạn, các phương án tương ứng trong trường hợp các tổ chức tín dụng không phục hồi được sau thời hạn được đặt vào diện kiểm soát đặc biệt. Đồng thời, yêu cầu tổ chức tín dụng áp dụng các biện pháp can thiệp sớm, hằng quý báo cáo tình hình thực hiện phương án khắc phục để đảm bảo tính cấp thiết, hiệu quả của việc can thiệp sớm.

Về nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai đề nghị được, thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm nên rà soát, sửa đổi theo hướng số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm, được ưu tiên thanh toán các khoản thuế trực tiếp liên quan đến việc chuyển nhượng chính tài sản bảo đảm (gồm thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ); án phí; thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trước khi thực hiện nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm.

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận chiều 10-6.

Về hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, vụ việc vi phạm hành chính (Điều 188 dự thảo Luật), Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1, điều này có quyền trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó; trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án”.

Như vậy, theo đại biểu, việc hoàn trả tài sản đảm bảo cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp là đã có căn cứ pháp lý. Việc đẩy nhanh thời gian ra quyết định của các cơ quan tố tụng (trách nhiệm của các cơ quan tố tụng) nên được bổ sung, sửa đổi tại văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, nhằm đảm bảo tính công bằng, khách quan trong thi hành pháp luật.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bổ sung các quy định để xử lý dứt điểm đối với tổ chức tín dụng yếu kém

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.