(HNM) - Bên lề QH, các ĐBQH đều cho rằng, việc thực hiện các lời hứa của các bộ, ngành còn chậm. Với trọng trách được giao phó, các ĐBQH sẽ chất vấn, giám sát đến cùng để làm rõ những vấn đề dân sinh bức xúc trách nhiệm thuộc về ai, lộ trình và giải pháp cụ thể giải quyết như thế nào và thực hiện sao cho hiệu quả.
ĐB Nguyễn Thái Học (Đoàn Phú Yên):
Khó khăn của bà con vùng thủy điện có trách nhiệm rất lớn của Bộ Công thương
Tôi cho rằng, việc giải quyết khó khăn của bà con vùng thủy điện có trách nhiệm rất lớn của Bộ Công thương. Tỷ lệ hộ nghèo ở những vùng này rất cao, đời sống khó khăn cả về mùa khô và càng khổ về mùa lũ, nhất là ở miền Trung, Tây Nguyên. Dù QH đã ban hành nghị quyết, giao Bộ Công thương tham mưu cho Chính phủ ban hành chính sách cho đồng bào nghèo vùng tái định cư thủy điện, chậm nhất trong năm 2013, thế nhưng, việc này chưa được làm. Tôi còn nhớ, khi trả lời chất vấn tại kỳ họp QH trước, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng có ghi nhận ý kiến đề nghị của ĐBQH và hứa sẽ phối hợp các bộ, ngành để sớm ban hành chính sách. Tôi đề nghị QH xem xét trách nhiệm của Bộ Công thương trong vấn đề này.
ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội):
Thiếu đòn bẩy tái cơ cấu kinh tế hiệu quả
Từ kỳ họp QH thứ ba, khóa XIII đến nay tôi đặc biệt quan tâm theo dõi vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, xử lý nợ xấu không sử dụng ngân sách nhà nước và cải cách thủ tục hành chính. Cho đến nay vấn đề xử lý nợ xấu đã và đang chuyển biến tốt. Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính bắt đầu từ khâu cấp mã số công dân có những dấu hiệu khả quan. Tuy nhiên việc sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở pháp lý để đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế vẫn chưa được tiến hành. Tôi đề nghị Chính phủ, QH quan tâm triển khai bởi chừng nào Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này chưa được xem xét sửa đổi thì tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và việc đổi mới cơ chế tài chính trên từng lĩnh vực nói riêng khó tạo được những chuyển biến tốt.
ĐB Đặng Thị Kim Chi (Đoàn Phú Yên):
Thiếu giải pháp chống đường nhập lậu
Việc không kiểm soát được đường nhập lậu làm cho đường tồn kho lớn, các nhà máy đường trong nước điêu đứng, thua lỗ nặng, người nông dân trồng mía gặp khó khăn. Thế nhưng khi trả lời chất vấn, người đứng đầu ngành NN&PTNT chưa trả lời rõ quan điểm của ngành mình trước thực trạng này. Theo tôi hiểu, ý Bộ trưởng NN&PTNT là hiện Bộ chỉ cho phép được nhập đường theo những hợp đồng đã cam kết quốc tế. Nhưng như vậy vẫn không rõ thực trạng 30.000 tấn đường mà Công ty Hoàng Anh Gia Lai đề nghị nhập từ các nhà máy nước ngoài vào Việt Nam làm cho thị trường mía đường trong nước càng gặp khó khăn mà tôi phản ánh có nằm trong diện thực hiện theo cam kết quốc tế hay không? Giải pháp để giải quyết việc dư trên 500.000 tấn đường trong nước là như thế nào?
ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang):
Bộ trưởng NN&PTNT chưa trả lời hết nội dung chất vấn
Bộ trưởng Cao Đức Phát chưa trả lời hết các nội dung tôi chất vấn. Tôi đang rất muốn biết sắp tới trong giai đoạn tái cơ cấu mạnh mẽ ngành nông nghiệp, Bộ NN&PTNT sẽ đưa ra những chính sách gì để thực hiện tốt hơn nữa việc bảo vệ quyền lợi cho người nông dân. Hiện nay với quy trình từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm lúa gạo thì quyền lợi của người trồng lúa là thiệt thòi nhất. Tôi cũng muốn biết, ngoài các mô hình sản xuất lúa hiện nay, Bộ trưởng có chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu mô hình sản xuất nào vừa tốt hơn, vừa bảo đảm năng suất chất lượng cao nhưng cũng phải giảm chi phí đầu tư và tăng lợi nhuận cho người trồng lúa?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.