(HNMO) - Sáng 23-9, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9-2022, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.
Dự kiến giám sát tại 14 bộ, ngành và 12 địa phương
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, việc giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên phạm vi cả nước từ ngày 1-1-2020 đến hết 31-12-2022; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng trên phạm vi cả nước từ ngày 1-1-2018 đến hết 31-12-2022.
Nội dung giám sát tập trung vào việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật trong huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 như nguồn lực về vật lực, tài lực (gồm ngân sách nhà nước, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; viện trợ ngoài nước; các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ; nguồn lực huy động từ các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước); nhân lực (gồm lực lượng trực tiếp tham gia chống dịch được huy động trong ngành Y tế, Quân đội, Công an; lực lượng nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng).
Bên cạnh đó, nội dung giám sát còn bao gồm việc tổ chức hệ thống y tế cơ sở, điều kiện đảm bảo và công tác tổ chức thực hiện các quy định về y tế cơ sở; việc ban hành văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở; kết quả thực hiện bao gồm các nhiệm vụ thường xuyên và trong phòng, chống đại dịch, ứng phó với thảm họa...
Công tác giám sát cũng xem xét việc tổ chức bộ máy y tế dự phòng, điều kiện bảo đảm và công tác tổ chức thực hiện các quy định về y tế dự phòng.
Đoàn giám sát dự kiến giám sát trực tiếp tại 14 bộ, ngành (Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Y tế; Nội vụ; Lao động - Thương binh và Xã hội; Quốc phòng; Công an; Giáo dục và Đào tạo; Thông tin và Truyền thông; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Kiểm toán Nhà nước; Thanh tra Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước; Bảo hiểm xã hội Việt Nam); 12 tỉnh, thành phố, trong đó có thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Tập trung giám sát việc sử dụng vắc xin, trang thiết bị y tế
Phát biểu tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, mục tiêu cuối cùng giám sát của Quốc hội là trách nhiệm giải trình của cơ quan hành pháp, của Chính phủ. Trách nhiệm giải trình của Chính phủ và các cơ quan liên quan đã thực hiện đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước hay chưa, kết quả đạt được, vấn đề còn hạn chế, yếu kém, trách nhiệm của các cơ quan như thế nào, nếu sai phạm thì đề xuất các cơ quan khác vào cuộc.
Về một số vấn đề lớn, đối với việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19, có nguồn lực trong nước và nước ngoài, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần chú trọng giám sát việc tiếp nhận, mua, phân phối, sử dụng vắc xin, trang thiết bị y tế. Bên cạnh đó, cũng cần tập trung giám sát việc nghiên cứu, sản xuất, chế biến, chế tạo vật tư, vắc xin, thiết bị sản xuất trong nước, vấn đề tự lực, tự cường trong phòng, chống dịch. Việc giám sát cần có trọng tâm, trọng điểm, tránh lãng phí nguồn lực, trong đó chú trọng đến việc sử dụng nguồn lực của Nhà nước.
Về việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát tập trung vào mô hình tổ chức, trong đó làm rõ mô hình Trung tâm y tế huyện trực thuộc đơn vị nào, cấp chính quyền địa phương hay Sở Y tế; xem xét nhân lực đối với hệ thống y tế xã có phù hợp với điều kiện xảy ra dịch bệnh và hoạt động bình thường hay không; hiệu quả của mô hình y tế phường, xã gắn với mô hình bác sĩ gia đình.
Đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế dự phòng, việc giám sát cần làm rõ thực trạng địa phương bố trí vốn cho y tế dự phòng ra sao, có bảo đảm bố trí ít nhất 30% ngân sách y tế dành cho y tế dự phòng hay không. Đoàn giám sát cũng lý giải nguyên nhân vì sao gói hỗ trợ trong Nghị quyết 43/2022/QH15 tăng cường đầu tư cho y tế dự phòng lại không sử dụng hết; đồng thời, kiến nghị đầu tư cho y tế cơ sở và y tế dự phòng trong thời gian tới…
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất không bắt buộc Thường trực HĐND có báo cáo riêng, mà Đoàn đại biểu Quốc hội chủ trì, phối hợp với Thường trực HĐND thực hiện giám sát và có báo cáo chung, nhưng khuyến khích Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố có báo cáo riêng và tổ chức giám sát riêng.
Về nội dung làm việc trực tiếp với các bộ, ngành, địa phương có đề cương chi tiết, có câu hỏi, nội dung cần làm rõ, không tiến hành giống nhau với tất cả các cơ quan. Trong quá trình thực hiện, ưu tiên giám sát tại địa phương có vấn đề nổi cộm và có điều phối chung của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tránh sự trùng lặp, chồng chéo với các hoạt động khác của Quốc hội tại địa phương và không được làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, địa phương…
Cùng ngày, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, Đoàn giám sát đề xuất 4 nội dung tập trung giám sát gồm: Về công tác chỉ đạo, điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia; việc xây dựng các văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; công tác phối hợp, lồng ghép quản lý, nội dung, đối tượng, địa bàn, nguồn vốn triển khai thực hiện các chương trình; kết quả đạt được bước đầu về thực hiện dự án, chính sách thuộc các chương trình.
Bên cạnh đó, qua hoạt động giám sát, Quốc hội cũng xem xét, đánh giá giữa kỳ kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2021-2025 đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, trọng tâm là công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để vận hành, tổ chức thực hiện chương trình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.