Để kiểm soát nguồn thực phẩm bán trên thị trường, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các địa phương hỗ trợ hợp tác xã, nông dân xây dựng vùng sản xuất an toàn.
Cùng với đó, cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, đánh giá chất lượng các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản, qua đó xử phạt những trường hợp vi phạm.
Tăng cường kiểm tra ngăn ngừa vi phạm
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu, để kiểm soát an toàn thực phẩm từ sản xuất đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ nông sản, huyện đã xây dựng các vùng sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn, gồm: 39ha rau VietGAP, GlobalGAP tại các xã, thị trấn: Chúc Sơn, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Thụy Hương; 110ha lúa VietGAP ở các xã: Hồng Phong, Đông Sơn, Lam Điền; 96ha lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn của Mỹ và Việt Nam ở các xã: Đồng Phú, Nam Phương Tiến; 136,6ha bưởi được chứng nhận VietGAP tại các xã: Nam Phương Tiến, Trần Phú, Thượng Vực, Lam Điền…
Ngoài ra, huyện còn thúc đẩy phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mô hình nông nghiệp tuần hoàn, sản xuất theo chu trình khép kín thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Tiêu biểu là mô hình ứng dụng máy bay không người lái trong phun thuốc bảo vệ thực vật; hệ thống trạm quan trắc thời tiết thông minh i.Mentos 3.3 A-G, giúp dự báo chính xác nhiệt độ, tốc độ gió, lượng mưa...
Tại huyện Ứng Hòa, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phạm Văn Hoạch cho biết, để tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp, huyện đã đầu tư các vùng sản xuất tập trung gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, như: Vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại xã Hòa Phú; rau an toàn tại các xã: Sơn Công, Hồng Quang; ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản “sông trong ao” ở các xã: Trầm Lộng, Liên Bạt; hình thành các hợp tác xã dịch vụ liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản cho nông dân. Qua đó, kiểm soát được chất lượng nông sản, thực phẩm từ vùng sản xuất đến khi bán trên thị trường.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với các địa phương của thành phố triển khai các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn với bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; duy trì, phát triển nguồn cung thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô.
Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, Hà Nội luôn khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đổi mới công nghệ, nâng cấp điều kiện trang thiết bị, nhà xưởng phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; hỗ trợ các cơ sở xây dựng, áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất, chế biến thực phẩm, nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm. Đến nay, ngành Nông nghiệp đã hỗ trợ được 95 cơ sở xây dựng, áp dụng và được cấp chứng nhận chương trình quản lý chất lượng tiên tiến theo HACCP và 45 cơ sở được hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ).
Cùng với việc hỗ trợ duy trì các vùng sản xuất nông nghiệp an toàn, ngành Nông nghiệp tổ chức thanh tra, kiểm tra tại 72 tổ chức và 1 cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Qua công tác kiểm tra phát hiện 10 tổ chức, cá nhân vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính 9 tổ chức và 1 cá nhân với tổng số tiền là 417 triệu đồng; buộc tiêu hủy 14.221kg thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Nhân rộng mô hình sản xuất an toàn
Hiện tại, việc kiểm soát an toàn thực phẩm vẫn còn khó khăn, do sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Tại một số vùng sản xuất nông nghiệp an toàn, nông dân vẫn chưa tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, gây khó khăn cho việc truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.
Để việc quản lý an toàn thực phẩm đi vào nền nếp, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho hay, trong thời gian tới, huyện tăng cường thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm về an toàn thực phẩm; qua đó ngăn chặn, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa không bảo đảm, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường. Huyện cũng rà soát, nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, chợ an toàn thực phẩm; kiên quyết xóa bỏ, ngăn chặn việc phát sinh chợ tạm, chợ cóc không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm. Ngoài ra, huyện còn tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về sử dụng thực phẩm an toàn, lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, kiểm tra kỹ nhãn mác…
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp Hà Nội thực hiện tốt các quy hoạch phát triển nông nghiệp, quy hoạch giết mổ; quản lý, phát triển sản xuất và tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn thành phố; mở rộng sản xuất tập trung gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; đồng thời tăng đầu tư cải thiện điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm trong giết mổ, sơ chế, bảo quản, kinh doanh nông, lâm, thủy sản.
Bên cạnh đó, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức liên kết, nhân rộng các chuỗi cung ứng thực phẩm, nông, lâm, thủy sản chất lượng, an toàn; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; nâng cấp thiết bị, đổi mới công nghệ, nhằm sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.