(HNM) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn Hà Nội tháng 5-2013 giảm 0,22% so với tháng trước. Tại TP Hồ Chí Minh, CPI cũng tiếp tục giảm 0,16% và đây là tháng thứ 3, CPI giảm liên tiếp trong 5 tháng đầu năm.
Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIII, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia khẳng định, trong bối cảnh giá tiêu dùng giảm mạnh, nên ưu tiên tăng trưởng kinh tế để hỗ trợ DN, giúp sản xuất phát triển.
Đại biểu Vũ Viết Ngoạn. |
- Kinh tế những tháng đầu năm 2013 có những diễn biến đầy bất ngờ. Ông nhận định gì về CPI và mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm nay?
- CPI tháng 5-2013 tăng thấp, không nằm ngoài dự kiến của nhiều chuyên gia bởi tổng cầu của nền kinh tế thấp, cầu đầu tư thấp, cầu tiêu dùng thấp. Chỉ số bán lẻ từ đầu năm đến nay cũng cho thấy, tín dụng tăng rất thấp và giải ngân vốn ngân sách cũng trong tình trạng tương tự. Thêm vào đó, một số dự báo cho biết, giá hàng hóa trên thế giới năm nay sẽ duy trì ở mặt bằng thấp nên không có tác động của giá thế giới vào Việt Nam. Cùng với đó, Chính phủ lại duy trì tỷ giá ổn định, giá xăng dầu gần đây cũng có dấu hiệu chững lại. Chỉ còn lại một yếu tố cuối cùng là ta có điều chỉnh giá một số mặt hàng cơ bản hay không? Tôi đồng tình Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra khuyến nghị hướng chính sách từ nay tới cuối năm là mục tiêu kiểm soát lạm phát mà Chính phủ đưa ra (6-6,5%) khả năng đạt được. Vì vậy, cần ưu tiên tăng trưởng kinh tế để hỗ trợ DN, thúc đẩy mạnh sản xuất.
- Vậy theo ông, Chính phủ nên ưu tiên giải pháp nào để thực hiện thành công mục tiêu tăng GDP từ nay tới cuối năm?
- Yếu tố quan trọng là tăng đầu tư, song đây là bài toán khó đối với Chính phủ vì dư địa chính sách của chúng ta rất hẹp, nợ công đã bị khống chế trần, cân đối ngân sách đang trong tình trạng khó khăn. Thêm nữa, tín dụng đang ở mức tăng trưởng rất thấp nên cũng ảnh hưởng tiêu cực tới tổng vốn đầu tư của xã hội. Để duy trì tổng vốn đầu tư của xã hội năm nay ở mức 30% GDP, đầu tiên phải huy động đủ nguồn lực trong thời gian từ nay đến cuối năm. Đây là một quãng thời gian rất ngắn. Vì vậy, tôi đồng tình với giải pháp: Nhà nước chấp nhận tăng đầu tư công, tìm nguồn, ứng trước phát hành trái phiếu của năm sau cho năm nay. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cần tiếp tục giảm lãi suất hơn nữa nhằm khuyến khích DN tiếp cận vốn và tiếp tục tái đầu tư.
- Băn khoăn lớn nhất hiện nay là nếu lãi suất quá thấp sẽ khó huy động được nguồn vốn. Ông nghĩ gì về vấn đề này?
- Lãi suất là giá của tiền tệ, phản ánh cung cầu của tiền tệ. Với mức lãi suất hiện nay, lợi ích vẫn đang nghiêng về phía người gửi tiền. Lãi suất cần phải giảm thì mới tạo cân bằng và sự hài hòa cho nền kinh tế. Bởi người gửi có rút tiền để đầu tư cũng là tốt. Yếu tố đầu cơ vàng, ngoại tệ, chứng khoán là có thể xảy ra, song tôi cho rằng đại bộ phận người dân sẽ không rút tiền để đầu cơ do các yếu tố kinh tế hiện nay đều không có lợi cho việc này.
- Xin cảm ơn ông!
(HNM) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa tổ chức họp để thông tin về chính sách tiền tệ. 4 tháng đầu năm, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm 2-4%/năm so với cuối năm 2012. Hiện nay, lãi suất đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 8-10%/năm, lĩnh vực sản xuất-kinh doanh khác: 9-12%/năm. Những DN có "sức khỏe" tốt có thể được hưởng mức lãi suất khá hấp dẫn: 7-8,5%/năm. Như vậy, mặt bằng lãi suất đã trở về bằng giai đoạn 2005-2007. Đối với các khoản vay cũ chịu lãi suất trên 13%/năm sẽ được kéo về dưới 13%/năm. Mặc dù lãi suất đã giảm mạnh nhưng khả năng hấp thụ vốn của DN vẫn còn hạn chế do hàng tồn kho nhiều, một số DN có tình hình tài chính yếu kém... Đại diện các ngân hàng cho biết, ngân hàng không hạn chế khách hàng vay, nhưng quan trọng là DN có thể tiếp cận vốn không. Đức Anh |
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển: Không hỗ trợ doanh nghiệp, sẽ thất thu ngân sách Hiện nay, nước ta có khoảng 500.000 DN. Số đơn vị thường xuyên hoạt động, nộp ngân sách là khoảng 280.000 DN nhưng vừa qua đã xuất hiện một số DN có biểu hiện làm ăn thua lỗ hoặc dừng sản xuất. Tôi cho rằng, DN đang gặp khó khăn về vốn, thị trường. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh cũng chưa thuận lợi. Tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm nay chỉ có 1,44%, trong khi đó có thời kỳ lên đến 37%-38%. Về lâu dài, tình trạng dòng tiền vào nhiều và ra ít sẽ khiến chính ngân hàng cũng khó khăn. Như vậy, quy luật cung cầu buộc các ngân hàng phải giảm lãi suất huy động và cho vay để "cứu mình" trước. Mặt khác, không hỗ trợ DN làm ăn chân chính thì không có thu ngân sách. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ & môi trường của Quốc hội Võ Tấn Nhân: Với dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, quan trọng là hiệu quả kinh tế Khi tiến hành giám sát dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, tôi thấy dự án này phải đầu tư rất lớn. Mới đầu, dự kiến các hạng mục chỉ tốn mấy chục tỷ đồng nhưng sau đó vốn đầu tư đã lên tới hơn trăm tỷ đồng. Theo tôi, đối với dự án này, hiện tại, vấn đề môi trường không phải lo lắng lớn nhất mà là hiệu quả kinh tế. Khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Quốc hội, Chính phủ cần lắng nghe các kênh thông tin để đánh giá minh bạch, khách quan về chủ trương đầu tư, khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi: Vốn thiếu, công trình dang dở nhiều Vừa qua, thực hiện công tác giám sát, tôi nhận thấy ngành y tế có nhiều công trình chưa hoàn thiện vì thiếu vốn. Tôi đề nghị sau khi Quốc hội phê chuẩn ngân sách, Chính phủ, các bộ, ngành phải nghiêm túc phân tích, đánh giá kết quả đạt được theo định kỳ, đề xuất giải pháp xử lý những khó khăn hiện tại, từ đó mới có căn cứ quyết toán ngân sách. Nếu không, sẽ lặp lại tình trạng thiếu vốn, công trình đình trệ. Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Thân Đức Nam: Cần điều chỉnh tín dụng linh hoạt Tôi cho rằng, nền kinh tế vẫn còn khó khăn. Nhiều biện pháp hỗ trợ thị trường, giải cứu DN được Chính phủ triển khai nhưng sức lan tỏa kém. Đang có tình trạng ngân hàng thừa tiền mà DN không dám vay vì nợ xấu cao và không biết kinh doanh gì mới có lãi; số đơn vị phá sản, giải thể còn nhiều. Để khắc phục tình trạng này, tôi đề xuất 3 giải pháp cụ thể. Một là, Ngân hàng Nhà nước linh hoạt hơn trong chính sách tín dụng. Hai là, chủ trương giảm thuế thu nhập DN và điều chỉnh thuế giá trị gia tăng như Chính phủ đang trình Quốc hội là cần thiết, nhưng cần thêm giải pháp sử dụng ngân sách để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản hàng chục nghìn tỷ đồng hiện nay, ưu tiên ứng vốn để tiếp tục hoàn thành những công trình xây dựng dở dang bằng nguồn vốn ngân sách. Ba là, cần có biện pháp đủ mạnh để tái cơ cấu DN nhà nước. Hà Phonglược ghi |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.