Nông nghiệp - Nông thôn

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại: Phát huy giá trị kinh tế, văn hóa đặc sắc của sen Hà Nội

Nguyễn Mai 07/07/2024 - 06:22

Hà Nội có các vùng trồng sen trải rộng ở nhiều quận, huyện, thị xã. Không chỉ làm nên nét đẹp rất riêng của Thủ đô, sen còn là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhân dịp lần đầu tiên thành phố Hà Nội tổ chức Lễ hội sen, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại về cây sen trên đất Thủ đô cùng những giá trị kinh tế, văn hóa đặc sắc cũng như định hướng phát triển cây trồng này trong thời gian tới.

giam-doc-so-nn-ptnt-ha-noi-nguyen-xuan-dai..jpg
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại.

Sen - đặc trưng của Hà Nội

- Cây sen từ lâu đã rất thân thuộc với người dân Thủ đô. Xin đồng chí cho biết, diện tích trồng sen của Hà Nội hiện nay phân bố tập trung ở khu vực nào?

- Cây sen có lịch sử trồng trọt lâu đời ở Việt Nam. Sen có giá trị dinh dưỡng và sử dụng rất cao khi hầu hết các bộ phận của cây trồng này có thể làm thực phẩm và dược liệu. Ngoài ra, đối với người Việt, cây sen là loài hoa đẹp, có giá trị đặc biệt về tâm linh và tôn giáo.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có hơn 600ha trồng sen, tập trung ở các địa phương, như: Mỹ Đức 188ha, Ba Vì 70ha, Mê Linh 65ha, Phúc Thọ 25ha, Ứng Hòa 25ha, Bắc Từ Liêm 25ha, Tây Hồ 19,6ha, Quốc Oai 18ha…

- Trên cả nước hiện có nhiều địa phương trồng sen nổi tiếng, như: Sen Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp), sen Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), sen Nam Đàn (tỉnh Nghệ An)... Vậy, với Hà Nội, cây sen có gì đặc biệt?

- Hoa sen ở Hà Nội đã có một vị trí đặc biệt trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Sen Hà Nội, cụ thể là sen Tây Hồ, từ lâu đã nổi tiếng với câu ca dao: “Đấy vàng, đây cũng đồng đen/Đấy hoa thiên lý, đây sen Tây Hồ”.

Hoa sen ở vùng hồ Tây, đặc biệt là loại hoa sen Bách Diệp có khoảng trăm cánh nở rất to, có màu hồng nhạt, hương thơm ngát. Sen hồ Tây quý một phần nhờ vào đặc điểm thổ nhưỡng với lớp bùn đất màu mỡ, giàu chất dinh dưỡng; phần nữa nhờ hồ Tây là một vùng thủy thổ nghìn năm rất linh thiêng. Có lẽ vì thế nên sen Tây Hồ được hấp thu rất nhiều linh khí của đất trời, có đặc trưng hơn hẳn vùng khác.

- Hà Nội có rất nhiều đặc sản tinh túy được chế biến từ sen, vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa là nét văn hóa đặc sắc của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội. Đồng chí có thể chia sẻ thêm về điều này?

- Người Hà Nội yêu sen không chỉ vì dáng hình, hương thơm và ý nghĩa tâm linh, mà còn bởi sự tận hiến vô cùng của sen. Không bộ phận nào của cây sen là vô ích, từ củ sen hay ngó sen nằm dưới lớp bùn đen đến hoa sen, gương sen, gạo sen, hạt sen, lá sen. Chỉ tính riêng hạt sen đã được người Hà Nội kết hợp với các đặc sản khác, tạo ra những nét văn hóa ẩm thực độc đáo, như: Xôi cốm hạt sen, xôi vò hạt sen, chè hạt sen, mứt sen…

Ngày nay, cây sen được phát triển ở nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội gắn với du lịch sinh thái và làm nguyên liệu cao cấp cho ngành dệt may, chế biến hương liệu, tinh bột... Trong đó, có lụa tơ sen “độc nhất, vô nhị” ở Việt Nam do nghệ nhân Phan Thị Thuận (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức) sản xuất; hay trà sen Tây Hồ nức tiếng bởi hương vị tinh túy đặc trưng; mâm cỗ sen - sản phẩm du lịch ẩm thực độc đáo và hút khách ở làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây)…

- Thành phố Hà Nội đã hỗ trợ nhiều chủ thể trồng, chế biến những sản phẩm từ sen trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Xin đồng chí cho biết những kết quả mà Hà Nội đã đạt được đối với các sản phẩm từ cây sen?

- Lũy kế đến nay, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được 2.723 sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 1.473 sản phẩm 4 sao, 6 sản phẩm tiềm năng 4 sao và 1.226 sản phẩm 3 sao. Trong số sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, có 18 sản phẩm từ cây sen. Đặc biệt, sản phẩm “Khăn lụa tơ sen” của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức là sản phẩm tiềm năng 5 sao và được Văn phòng Chính phủ sử dụng làm quà tặng cho các nguyên thủ quốc gia.

Ngoài ra còn có các sản phẩm OCOP từ sen có giá trị kinh tế cao, như: Sen trà Hiền Xiêm, quận Tây Hồ; chè sen Quảng An, quận Tây Hồ; hạt sen Đầm Long, huyện Ba Vì; trà lá sen, huyện Sóc Sơn; trà tâm sen, huyện Thanh Trì; xôi cốm hạt sen Ngô Thức, quận Nam Từ Liêm...

cham-soc-sen-bach-diep-tai-ho-dau-dong-quan-tay-ho-.-anh-quang-thai.jpg
Chăm sóc sen Bách Diệp tại hồ Đầu Đồng (quận Tây Hồ). Ảnh: Quang Thái

Bảo tồn và phát triển nguồn gen quý

- Cây sen có đặc thù chỉ “đơm bông, kết hạt” trong những tháng hè và mùa vụ khá ngắn. Theo đồng chí, có nên ứng dụng khoa học, kỹ thuật để lai tạo các giống sen cho bông ở nhiều thời điểm trong năm?

- Trong những năm gần đây, Sở NN&PTNT Hà Nội đã giao Trung tâm Khuyến nông Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) bảo tồn, lưu giữ, phục tráng, phát triển nguồn gen sen quý của Hà Nội và lai tạo, nhập nội, đưa vào trồng thử nghiệm hơn 30 giống sen mới.

Kết quả, đã chọn được gần 20 giống sen thích ứng tốt với điều kiện thổ nhưỡng của Hà Nội. Trong đó bao gồm các giống sen chuyên canh để lấy củ, hoa, làm tơ sen và lấy hạt cho năng suất, phẩm cấp vượt trội. Trước đây, sen Hà Nội chỉ có hoa trong mùa hè, song nhờ ứng dụng khoa học, kỹ thuật nên đã tạo ra nhiều giống mới, giúp mùa sen ở Hà Nội bây giờ có thể kéo dài từ tháng 4 đến tháng 11 hằng năm.

- Hiện nay, diện tích trồng sen Tây Hồ đang bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa. Trước thực tế này, thành phố đã làm gì để bảo tồn và phát triển cây sen quý hồ Tây?

- Sen Bách Diệp (sen hồ Tây) là giống quý, nhưng đang dần thoái hóa và diện tích cũng bị thu hẹp. Chính vì vậy, năm 2017, các nhà khoa học của Trung tâm Tài nguyên thực vật (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) đã nghiên cứu và đưa ra một số đặc điểm hình thái đặc trưng để nhận biết giống sen hồ Tây.

Đặc biệt, gần đây, các nhà khoa học đã sử dụng biện pháp nuôi cấy mô tế bào để tạo ra nguồn giống sen giữ nguyên đặc tính của sen Bách Diệp, cây giống không bị sâu bệnh. Kết quả nghiên cứu invitro (trong ống nghiệm) đã thành công, khi có hơn 500 mẫu giống vừa được đưa ra vườn ươm để tiến hành đánh giá hiệu quả.

Nhằm khôi phục và bảo tồn giống sen Bách Diệp nổi tiếng của hồ Tây, năm 2024, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với UBND quận Tây Hồ triển khai việc trồng sen tại một số hồ nhỏ trên địa bàn. Cụ thể, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) đã hỗ trợ quận Tây Hồ 7.000 cây giống sen Bách Diệp và vật tư trồng sen. Bước đầu, việc trồng sen tại các hồ ở quận Tây Hồ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, phát triển du lịch sinh thái.

Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục phối hợp với quận Tây Hồ để nghiên cứu và đưa thêm nhiều giống sen mới về trồng thí điểm, giúp gia tăng giá trị kinh tế cho người dân và phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch sinh thái.

Trước mắt, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với quận Tây Hồ tổ chức Lễ hội sen Hà Nội lần đầu tiên (từ ngày 12 đến 16-7-2024) tại không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ, quận Tây Hồ. Qua đó, góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể về sen, khuyến khích phát triển cây sen gắn với du lịch sinh thái trên địa bàn thành phố.

- Trong thời gian tới, Hà Nội có định hướng gì về phát triển cây sen gắn với phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp du lịch?

- Trong thời gian tới, căn cứ vào Luật Thủ đô năm 2024 vừa được Quốc hội khóa XV thông qua, trong đó có nhiều chính sách đột phá, tạo động lực cho ngành Nông nghiệp Hà Nội phát triển, điển hình như tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nhóm cây hoa, cây cảnh, bao gồm có cây sen.

Theo đó, Hà Nội sẽ chuyển đổi dần diện tích đất trũng, trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây sen tại các huyện: Quốc Oai, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Ứng Hòa. Bên cạnh việc đưa giống hoa sen mới, chất lượng cao vào sản xuất, thành phố cũng tăng cường liên kết hình thức kinh tế hợp tác nông hộ với doanh nghiệp, hình thành các vùng sản xuất - tiêu thụ sản phẩm từ cây sen kết hợp du lịch sinh thái.

Theo định hướng này, thành phố chú trọng việc ứng dụng công nghệ cao quá trình canh tác, chế biến sản phẩm từ cây sen và hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp thực hiện mô hình chuyển đổi cây trồng năng suất thấp, kém hiệu quả, đất bỏ hoang lâu năm sang trồng sen đa giá trị. Mục tiêu là nâng cao giá trị và tính bền vững của sản phẩm nông nghiệp, trong đó sen được coi là cây trồng có giá trị kinh tế, mang nét văn hóa đặc sắc với tiềm năng cao thu hút khách du lịch đến với Thủ đô.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

qc-danh-cho-le-hoi-sen.jpg
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại: Phát huy giá trị kinh tế, văn hóa đặc sắc của sen Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.