Phát biểu tại Diễn đàn tài chính Arab ở Dubai, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), ngày 10-2, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã cảnh báo tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ ở các nước Arab hiện đang ở mức cao nhất thế giới.
Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde. Ảnh: THX/TTXVN |
Bà Christine Lagarde cũng kêu gọi các nước Arab cắt giảm trợ cấp và lương tại khu vực hành chính công nhằm kiểm soát chi tiêu và đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững cũng như tạo việc làm.
Giám đốc IMF cho biết tỷ lệ giới trẻ không có việc làm ở các nước Arab hiện ở mức trung bình 25%, thậm chí một số nước lên tới hơn 30%. Trong khi đó, trên 27 triệu thanh niên sẽ gia nhập thị trường lao động trong 5 năm tới. Bà Lagarde hoan nghênh các biện pháp cải cách đầy hứa hẹn vừa được một số nước Arab thông qua, song khẳng định cần phải làm nhiều hơn nữa để vượt qua những khó khăn kinh tế - xã hội đang là nguyên nhân tác động đến mục tiêu tăng trưởng và việc làm.
Theo Quỹ Tiền tệ Arab (AMF), đồng tổ chức Diễn đàn tài chính trên với IMF, gần như tất cả các nước Arab đều đang thâm hụt ngân sách trong vài năm qua, thậm chí các nền kinh tế Arab chỉ đạt mức tăng trưởng 1,9% trong năm 2017, bằng một nửa mức tăng trưởng toàn cầu. Người đứng đầu định chế tài chính toàn cầu này cho rằng chi tiêu công tại các nước Arab vẫn rất cao, đặc biệt tại các nước vùng Vịnh nhiều dầu mỏ, nơi chi tiêu chính phủ vượt quá 55% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Bà Lagarde nhấn mạnh việc tiếp tục sử dụng hình thức trợ giá năng lượng là hoàn toàn vô lý vì các biện pháp này vô cùng tốn kém, trung bình 4,5% GDP tại các nước xuất khẩu dầu mỏ và 3% tại các nước nhập khẩu dầu. Mặc dù 6 nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh và nhiều nước Arab khác đã giảm trợ giá năng lượng trong những năm gần đây, song chi phí vẫn rất cao. Bà Lagarde nhấn mạnh tăng trưởng cao hơn và cải cách nghiêm ngặt hơn được xem là cần thiết để tạo ra nhiều việc làm cho thanh niên Arab.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.