UBND thành phố Hà Nội vừa thông qua dự thảo Tờ trình và Nghị quyết HĐND thành phố về Đề án thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội. Dù công tác chuẩn bị còn nhiều việc phải làm, song việc thành lập trung tâm cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của thành phố trong việc đẩy nhanh chuyển đổi số nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp hiệu quả hơn.
Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, Chỉ số cải cách hành chính của thành phố Hà Nội luôn nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước. Tuy nhiên một số lĩnh vực lại chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt vẫn còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục ở cấp xã, phường.
Thậm chí có tình trạng cùng một thủ tục, có phường xác nhận công chứng cho người dân nhưng phường khác lại từ chối. Việc giải quyết thủ tục hành chính còn chậm muộn, quá hạn, nhất là thủ tục hành chính thuộc nhóm thành lập doanh nghiệp và đất đai. Trong 3 năm qua, có 16 nghìn hồ sơ thành lập và hoạt động doanh nghiệp bị chậm trễ; lĩnh vực đất đai chậm hơn 300 hồ sơ.
Để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, Chính phủ sẽ triển khai thí điểm mô hình bộ phận “một cửa” theo hướng kết hợp cung cấp dịch vụ hành chính công của các đơn vị hành chính trên địa bàn một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2024. Cụ thể, Chính phủ giao trách nhiệm cho UBND các tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Quảng Ninh triển khai thí điểm mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND cấp tỉnh và việc thí điểm được tiến hành từ tháng 9-2024 đến cuối năm 2025. Qua đó sẽ tổng kết, nhân rộng nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận và thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công không phụ thuộc địa giới hành chính.
Việc triển khai thí điểm trung tâm sẽ giúp thành phố Hà Nội giảm số lượng bộ phận “một cửa” từ 673 bộ phận “một cửa” còn 30 chi nhánh; tinh giản biên chế, minh bạch hóa quy trình giải quyết thủ tục... Trung tâm khi đi vào hoạt động cũng sẽ là đầu mối tổ chức cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ, tiếp nhận, số hóa, phối hợp giải quyết, giải quyết (đối với một số thủ tục hành chính được ủy quyền) và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tổ chức triển khai các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Với các chức năng, nhiệm vụ trên, việc sớm đưa Trung tâm phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội đi vào hoạt động sẽ góp phần giúp các quy trình hành chính được đơn giản hóa, tăng cường minh bạch.
Để trung tâm hoạt động đúng như kỳ vọng đòi hỏi sự quyết tâm lớn, tinh thần trách nhiệm cao của các đơn vị liên quan của thành phố. Trong đó, cần chú trọng đến công tác chuẩn bị các điều kiện để vận hành trung tâm với khối lượng công việc lớn, như: Cơ sở vật chất; sắp xếp tổ chức bộ máy; việc đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, công chức; hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính… cũng như đánh giá kỹ lưỡng những tác động đến hoạt động quản lý nhà nước.
Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 nâng cao mức độ hài lòng của người dân với sự phục vụ của chính quyền lên 90-95%. Cùng với việc phân cấp, ủy quyền trong giải quyết thủ tục hành chính, việc sớm vận hành Trung tâm phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội sẽ không chỉ giảm đầu mối, người dân và doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính tại một địa điểm duy nhất, mà còn giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.