Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm bội chi ngân sách xuống mức 3%: Đã chi, phải chuẩn!

Hương Ly| 15/12/2014 06:16

(HNM) - 11 tháng của năm 2014, tổng thu ngân sách nhà nước đã đạt 100,9% dự toán pháp lệnh đầu năm Quốc hội giao.



Theo Bộ Tài chính, dự kiến thu NSNN cả năm 2014 sẽ vượt 63,7 nghìn tỷ đồng so với dự toán, tăng 12,3% so với năm 2013. Cùng với tin vui này, bội chi NSNN 11 tháng là 143,97 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 64,3% mức bội chi Quốc hội quyết định đầu năm. Trong bối cảnh nợ công của Việt Nam đang có xu hướng tăng cao, trong khi nhu cầu chi đầu tư phát triển ngày càng tăng, việc giảm bội chi NSNN thông qua các biện pháp như: Tăng cường quản lý nguồn thu, tiết giảm các khoản chi và xử lý nghiêm các khoản chi sai, lãng phí sẽ giúp giảm bội chi xuống mức 3%.

Đầu tư xây dựng hạ tầng hiệu quả là góp phần giảm bội chi ngân sách. Ảnh: Huy Hùng


Bội chi ngân sách giảm dần

Trong bối cảnh kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn nhưng 11 tháng vừa qua, tổng thu NSNN đã vượt kế hoạch cả năm 2014. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tại kỳ họp thứ 8 QH khóa XIII vừa qua, đánh giá về thu NSNN cả năm 2014, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội dự kiến thu vượt 63,7 nghìn tỷ đồng so với dự toán, tăng 12,3% so với năm 2013. Chỉ tính đến hết tháng 11, số thu NSNN đã đạt 100,9% dự toán pháp lệnh đầu năm Quốc hội giao, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt 85,6%. Cùng với thu ngân sách, công tác điều hành chi NSNN cũng được thực hiện đúng tinh thần chặt chẽ, tiết kiệm.

Tổng chi NSNN 11 tháng ước đạt 933,57 nghìn tỷ đồng, đạt 92,7% dự toán, tăng 10,4% so với cùng kỳ. Bội chi NSNN 11 tháng là 143,97 nghìn tỷ đồng, bằng 64,3% mức bội chi Quốc hội quyết định đầu năm.

Mặc dù thu, chi NSNN đạt kết quả khả quan, song theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện kỷ luật tài khóa, triệt để tiết kiệm chi tiêu NSNN. Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các ngành tham mưu cho Chính phủ tính toán đẩy nhanh lộ trình quản lý giá các mặt hàng thiết yếu theo cơ chế thị trường trong điều kiện lạm phát đang rất thấp như giá điện, khí trong bao tiêu cho sản xuất điện, giá các sản phẩm dịch vụ công ích, dịch vụ công; kể cả tham mưu cho Chính phủ trong việc điều hành sản xuất khai thác dầu thô năm 2015. Qua đó bảo đảm vừa nguồn thu cho NSNN vừa quản lý chặt chẽ các khoản chi.

Trong bối cảnh nợ công của Việt Nam có xu hướng tăng mạnh trong khi nhu cầu chi phục vụ đầu tư phát triển rất lớn, việc khai thác hiệu quả các khoản thu và siết chặt quản lý các khoản chi đóng vai trò đặc biệt quan trọng nhằm cân đối NSNN. Kết quả đã đạt được trong 11 tháng vừa qua cũng là cơ sở để Chính phủ tính đến việc hiện thực hóa mục tiêu giảm dần mức bội chi NSNN hàng năm và siết chặt kỷ luật tài khóa.

Giảm bội chi xuống mức 3%, có khả thi?

Nhận xét về kết quả thu, chi NSNN thời gian gần đây, chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm cho rằng, nợ công đang diễn biến theo chiều hướng khó khăn, các khoản chi ngân sách vẫn tăng, thu còn hạn chế, nên khả năng bội chi vẫn có xu hướng tăng. Theo kế hoạch đến năm 2015, sẽ phấn đấu đưa bội chi về mức 4,5% GDP, nhưng trước diễn biến khó lường của nền kinh tế, tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, Chính phủ đã đề nghị điều chỉnh bội chi lên 5,3%. Nguyên nhân sâu xa dẫn tới thực trạng này là các khoản chi hành chính, chi mua sắm thiết bị… quản lý chưa chặt chẽ làm tăng chi ngân sách. Trong khi đó, nếu thực hiện sát sao, nhiều khả năng Chính phủ vẫn có thể đạt được mức bội chi NSNN 3%. Ông Cao Sĩ Kiêm cũng cho rằng, mục tiêu giảm bội chi NSNN phụ thuộc rất lớn vào điều kiện của nền kinh tế. Bởi khi Chính phủ ưu tiên tăng trưởng sẽ phải nới ngân sách để tăng đầu tư nhằm bảo đảm nhịp độ phát triển kinh tế. Tuy nhiên khi đó, cần chú ý những khoản chi gây lãng phí, dàn trải, không hiệu quả, đặc biệt là các khoản chi hành chính. Bởi trên thực tế hiện nay, cơ cấu ngân sách cho hành chính nhằm vận hành bộ máy quản lý, mua sắm, lương bổng chiếm tới 70%, chi cho đầu tư phát triển còn thấp so với nhu cầu.

Để giảm bội chi xuống 3%, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải hội tụ cả 3 yếu tố. Đầu tiên, phải tăng nguồn thu, cải tiến các chính sách, cải tiến quản lý thu chi để tăng nguồn thu. Biện pháp thứ hai là nỗ lực tiết giảm chi, kể cả chi hành chính, chi thường xuyên, chi trả nợ công, chi mua sắm, vay nước ngoài để giảm chi. Biện pháp thứ ba là nâng cao hiệu lực quản lý bộ máy hành chính, xây dựng chế tài xử lý những trường hợp vi phạm như chi sai, lãng phí, dàn trải, chi ngân sách lớn mà không hiệu quả… Đây là 3 biện pháp truyền thống được nhiều quốc gia áp dụng và thu được hiệu quả cao khi thực hiện giảm mức bội chi NSNN.

Tuy nhiên theo ông Bùi Đức Thụ, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, năm 2015 Chính phủ trình mức bội chi NSNN là 226.000 tỷ đồng, bằng 5% GDP dự kiến. Mức đề xuất của năm 2015 đã thấp hơn 0,3% so với bội chi NSNN của năm 2014 (5,3% GDP). Với tinh thần thắt chặt tài khóa, triệt để tiết kiệm chi, nhưng chi NSNN 2015 mới bố trí được một phần của nhu cầu chi cấp bách. Nếu giảm bội chi nữa sẽ khó khăn cho thực hiện. Cần tính toán kỹ khi đặt mục tiêu giảm bội chi xuống mức thấp hơn 5%...

Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc giảm mức bội chi NSNN xuống mức 3%, song thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, tiết kiệm vẫn là một trong những mục tiêu hàng đầu của Chính phủ trong thời gian tới. Bởi giảm bội chi NSNN cũng đồng nghĩa với việc kiên quyết loại bỏ các khoản chi sai quy định, chi dàn trải, lãng phí, qua đó giảm dần nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ, đồng thời bảo đảm cân đối vững chắc an ninh tài chính quốc gia.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giảm bội chi ngân sách xuống mức 3%: Đã chi, phải chuẩn!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.