(HNM) - Trưa nay (30-4), đoàn đua của Giải Xe đạp Cúp Truyền hình năm 2019 - với chủ đề
Các tay đua trên đường đua Giải Xe đạp Cúp Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh năm 2019. Ảnh: Nguyễn Nhân |
Trải qua hành trình dài 16 chặng đua với tổng lộ trình 1.926km, cuộc đua giàu truyền thống do Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thêm một lần về đích thành công. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trò chuyện với Tổng Thư ký Liên đoàn Xe đạp - Mô tô Việt Nam Nguyễn Ngọc Vũ về giải đua nhiều ý nghĩa này.
- Ông đánh giá thế nào về hành trình đua gần 2.000km của giải đấu?
- Đây là lần thứ 31 Cúp Truyền hình năm 2019 với chủ đề "Non sông liền một dải" được tổ chức. Khởi hành từ ngày 13-4, đoàn đua xuất phát từ Nghệ An, đi dọc vào Bình Định, rồi lên Gia Lai, xuống Tuy Hòa, về Nha Trang, chinh phục đèo Khánh Lê, đến Đà Lạt và về đích tại thành phố Hồ Chí Minh đúng trưa ngày hôm nay, 30-4. Có thể nói, cuộc đua thực sự rất hấp dẫn với nhiều điểm mới đáng chú ý.
Lần đầu tiên Ban Tổ chức đưa chặng Pleiku (Gia Lai) đến Tuy Hòa (Phú Yên) - dài 220km, là chặng thi đấu dài nhất trong lịch sử cuộc đua - vào lộ trình thi đấu, các tay đua đã có một hành trình đua vất vả nhưng mới mẻ, giàu khám phá. Thêm nữa, độ khó của các chặng đua đường đèo được tăng lên đáng kể. Ví như hành trình đoàn đua chinh phục cao nguyên Lâm Đồng.
Từ thành phố biển Nha Trang các tay đua phải vượt qua đèo Khánh Lê dài gần 30km với độ cao 1.600m so với mực nước biển, ngay sau đó là đèo Giang Ly với gần 6km, rồi đến chặng đường 40km với nhiều con dốc mới đến thành phố Đà Lạt. Để làm được điều này, các vận động viên phải có sức bền, ý chí mạnh, thể lực dồi dào...
- Việc có đến 6 đội đua trong nước sử dụng lực lượng vận động viên ngoại tác động ra sao đến chất lượng chuyên môn của kỳ giải năm nay, thưa ông?
- Giải đấu đã quy tụ được 12 đội mạnh trong nước, trong đó 6 đội của 3 tỉnh, thành sử dụng vận động viên là người nước ngoài. Những ngoại binh người Pháp, Hàn Quốc, Iran, Lào, Tây Ban Nha, Colombia... dự giải đều có trình độ cao, từng tham gia nhiều giải đẳng cấp của châu lục. Ví như Javier (VUS thành phố Hồ Chí Minh), Mirsamad Pourseyed (Tập đoàn Lộc Trời), Gong Hyosuk (Gạo Hạt Ngọc Trời)... đều đã góp sức đáng kể vào kết quả chung cuộc của các đội. Sự xuất hiện của các ngoại binh này thực sự đã giúp cuộc đua thêm hấp dẫn và thúc đẩy, nâng cao trình độ các tay đua trong nước.
Quan sát các tay đua ngoại binh thi đấu, có thể thấy trình độ của nhiều người trong số họ hơn hẳn các tay đua trong nước. Đơn cử như chặng đua chinh phục đèo dốc ngày 27-4, các tay đua người Hàn Quốc, Iran, Tây Ban Nha đã bỏ xa các tay đua Việt Nam. Xem họ thi đấu chính là cơ hội để chúng ta học hỏi, đồng thời đánh giá khả năng thực tế của mình đang ở mức nào.
- Trong số các tay đua trong nước, gương mặt nào khiến ông đặc biệt ấn tượng? Ông nhìn nhận thế nào về phong độ của các tay đua tên tuổi qua hành trình vừa qua?
- Bất ngờ lớn nhất chính là việc Domesco Đồng Tháp dù không sử dụng ngoại binh nhưng vẫn khiến các đối thủ mạnh phải dè chừng. Trong đó, tay đua trẻ Nguyễn Quốc Bảo thi đấu rất tốt, thậm chí lúc đua đèo Khánh Lê, Giang Ly, tay đua này vẫn duy trì được vị trí ở tốp chính của đoàn đua.
Bên cạnh đó, những gương mặt cũ như Nguyễn Thành Tâm, Lê Văn Duẩn, Nguyễn Trường Tài, Huỳnh Thanh Tùng... vẫn giữ được phong độ. Chưa có tổng sắp chung cuộc, nhưng với phong độ ổn định, giải Áo trắng dành cho tay đua trẻ có thành tích tốt nhất nhiều khả năng thuộc về Nguyễn Quốc Bảo, còn giải Áo xanh dành cho tay đua rút đích, thắng chặng nhiều nhất chắc sẽ thuộc về Lê Nguyệt Minh (Hồ Chí Minh City MM Market)....
- Không chỉ là cơ hội tranh tài của các tay đua, Cúp Truyền hình 2019 còn mang nhiều giá trị, cả về ý nghĩa chính trị và chuyên môn. Ông nghĩ gì về nhận định này?
- Đây là giải đấu giàu truyền thống, đã qua 31 kỳ giải, luôn giữ được vị thế trong làng đua xe đạp Việt Nam về cả quy mô cũng như chất lượng chuyên môn. Với Liên đoàn Xe đạp - Mô tô thể thao Việt Nam, hành trình gần 2.000km của cuộc đua này chính là hoạt động thực tiễn sống động để chúng tôi áp dụng linh hoạt các điều luật quốc tế, tìm tòi những cung đường thử thách mới...
Ở kỳ giải năm nay, Ban Tổ chức và các nhà chuyên môn đã áp dụng những quy định quốc tế, ví như việc tiếp tế bằng ô tô; điều chỉnh thể lệ thi đấu theo hướng khích lệ các tay đua qua cách thưởng giờ, thưởng điểm. Việc Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (HTV) sử dụng nhiều máy quay, flycam, với sự hỗ trợ của đội ngũ tác nghiệp lành nghề, liên tục tổ chức truyền hình trực tiếp các chặng trên các kênh sóng của HTV - đã góp phần đáng kể lan tỏa hình ảnh của cuộc đua, giúp môn đua xe đạp gần gũi hơn với người hâm mộ.
Không chỉ là một hoạt động thể thao chào mừng 44 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, giải đấu là một minh chứng về sự hiệu quả của "bộ ba phối hợp": Thể thao - Truyền thông - Tài trợ. Với những người làm công tác chuyên môn, giải đấu cũng gợi rất nhiều ý tưởng cho SEA Games 30 cuối năm nay. Nếu xử lý tốt, cho dù Philippines, Indonesia hay Thái Lan... rất mạnh, đua xe đạp nam của Việt Nam không phải không có cơ hội tranh huy chương vàng.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.