(HNM) - Tại hội thảo
TP Hồ Chí Minh quyết tâm giải tỏa 20.000 nhà tạm bợ trên kênh rạch. |
Hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có khoảng 7.955km chiều dài hệ thống sông, kênh rạch với tổng diện tích mặt nước chiếm khoảng 16% diện tích đất thành phố (khoảng 35.192ha). Thống kê của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho thấy, trong giai đoạn 1993 - 2015, toàn thành phố đã di dời được 35.706 căn nhà trên và ven kênh rạch.
Từ nay đến năm 2020, TP Hồ Chí Minh dự kiến di dời và giải tỏa trắng khoảng 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch. Cụ thể, các tuyến rạch Hàng Bàng giai đoạn 2 và 3, rạch Văn Thánh, rạch Bùi Hữu Nghĩa, rạch Xuyên Tâm, rạch Bàu Trâu... sẽ giải tỏa, di dời khoảng 13.350 căn; các tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, cù lao Nguyễn Kiệu, công viên Hồ Khánh Hội (giai đoạn 3 và 4)… sẽ giải tỏa, di dời khoảng 304 căn; các tuyến kênh Đôi - Tẻ (địa bàn quận 4, 7, 8) sẽ giải tỏa, di dời khoảng 7.031 căn.
Nhiều quan điểm cho rằng, giải tỏa, di dời nhà trên và ven kênh rạch có ý nghĩa rất lớn trong việc chỉnh trang đô thị, tạo bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại, góp phần xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, giải tỏa nhà trên và ven kênh rạch, qua đó khơi thông dòng chảy góp phần rất quan trọng trong việc giải quyết tình trạng ngập nước và ô nhiễm môi trường như hiện nay.
Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều chương trình chỉnh trang đô thị như cải tạo kênh Tẻ, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tân Hóa - Lò Gốm và hiện đang thực hiện tiếp sông Vàm Thuật, kênh Đôi... Tuy nhiên, qua công tác giải tỏa nhà "ổ chuột" dọc các tuyến kênh rạch, nhiều nhà chuyên môn đặt vấn đề: Tại sao không làm thiết kế đô thị để định hướng xây dựng hai bờ sông đẹp hơn; tại sao không tái định cư người dân đã sinh sống trước đây; tại sao không tăng cường vận chuyển đường sông?
Theo KTS Khương Văn Mười, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, trong quá trình thực hiện giải tỏa nhà trên kênh rạch, mọi vấn đề như kinh phí, thời gian, tiến độ, giải pháp... không được thực hiện đồng bộ mà phải triển khai từng bước căn cứ vào hiện trạng, nhu cầu cuộc sống của người dân. Còn theo TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn, Ủy viên BCH Hội Kiến trúc sư Việt Nam, để giải tỏa nhà trên kênh rạch, trở ngại lớn nhất hiện nay là vốn đầu tư và định hướng chỉnh trang.
Để tháo gỡ khó khăn trên, các chuyên gia cho rằng, muốn thu hút được nguồn vốn xã hội hóa, TP Hồ Chí Minh cần có những đổi mới về cơ chế. Trong đó, thành phố có thể đưa ra mục tiêu và yêu cầu chỉnh trang dự án và có thể đưa ra cơ chế "mở" để khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước tham gia cùng thực hiện với tư cách là chủ đầu tư dự án.
Theo TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn, các bài học thực hiện thành công các dự án chỉnh trang khu vực London Docklands, phía Tây và Tây Nam của thủ đô nước Anh, cho chúng ta những kinh nghiệm quý báu về hợp tác công tư và thu hút tài chính tư nhân để cải tạo và phát triển đô thị.
Trong khi đó, KTS Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP Hồ Chí Minh cho rằng, bài toán cốt lõi ở đây là chủ trương, đường lối và các chính sách của thành phố phải có cùng tiếng nói chung với các nhà làm quy hoạch, các nhà đầu tư và người dân - đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dự án.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.