Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải quyết việc làm trong giai đoạn khó khăn: Bài toán không đơn giản

Nguyên Hoa| 07/09/2013 07:26

(HNM) - Sự suy giảm kinh tế khiến nhiều DN thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân sự; hoạt động sản xuất ở các làng nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh cũng gặp không ít trắc trở…

Gặp chị Nguyễn Thị Hương tại Phòng bảo hiểm thất nghiệp của Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội, chị cho biết: "Tôi làm công nhân tại Công ty Canon, một công ty chuyên sản xuất máy ảnh và linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh được hơn hai năm. Mới đây, công ty thông báo, vì khan hiếm đơn hàng, thu hẹp sản xuất, cần sắp xếp lại nhân sự nên dôi ra trên 1.000 lao động. Tôi không may mắn nên nằm trong số lao động dôi dư và đã bị nghỉ việc". Anh Nguyễn Văn Nam tham gia "Ngày hội việc làm và tư vấn hướng nghiệp năm 2013" do quận Cầu Giấy tổ chức đầu tháng 8 vừa qua, chia sẻ, biết tuổi đã ngoài 35 nên xác định tìm được việc làm phù hợp sẽ rất khó, nhưng nghe ban tổ chức thông báo có 70 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng với gần 2.000 chỉ tiêu ở đủ mọi ngành nghề nên anh cũng mạnh dạn đến. Trước đã từng lái máy xúc tại một công ty xây dựng nên anh nộp hồ sơ vào các công ty ở lĩnh vực xây dựng nhưng chờ mãi mà chưa thấy ai gọi phỏng vấn trong khi thời gian của ngày hội việc làm chỉ còn hơn một tiếng nữa.

Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh cắt giảm lao động trong giai đoạn khó khăn.
Ảnh: Khánh Nguyên



Cùng với nhiều lao động trong các khu công nghiệp, các công ty bị mất việc thì nhiều người lao động tự do, làm việc trong các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ cũng đang chật vật kiếm sống. Tại các làng nghề, hàng loạt chủ cơ sở đóng cửa vì không có đơn đặt hàng trong khi tiền nợ ngân hàng đầu tư vào máy móc, nguyên liệu rất nhiều. Anh Lê Gia Phong, chủ cơ sở sản xuất đồ mộc ở xã Liên Hà (Đan Phượng) cho biết: "Trước đây xưởng mộc của gia đình tôi lúc nào cũng thuê từ 15 đến 20 lao động nhưng nay cắt giảm rất nhiều bởi chúng tôi chỉ hoạt động cầm chừng".

Suy giảm kinh tế thế giới đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều DN trên địa bàn thành phố, tập trung ở các DN sản xuất hàng xuất khẩu hoặc các DN phụ thuộc nguồn nguyên liệu nước ngoài. Nhiều DN áp dụng các biện pháp linh hoạt để hạn chế cắt giảm lao động (bố trí nghỉ luân phiên, làm việc không trọn tuần, trọn tháng) nhằm giữ lại lao động có chuyên môn tay nghề cao. Theo thống kê của Sở LĐTB&XH, năm 2012 số DN giải thể, ngừng hoạt động lên đến 12.000, số lao động đăng ký thất nghiệp tại Trung tâm Giới thiệu việc làm thuộc sở lên đến 24.000 người. Từ đầu năm 2013 đến nay đã có 11.242 người đến Sở LĐTB&XH đăng ký thất nghiệp. Cũng trong những tháng đầu năm 2013, toàn thành phố có 1.128 DN tạm ngừng hoạt động; số DN giải thể là 646. 6 tháng đầu năm 2013, Sở LĐTB&XH đã mở 55 phiên giao dịch việc làm với 2.885 đơn vị, DN tham gia đăng ký, nhưng cũng chỉ có trên 10.000 lao động được tuyển dụng.

Đâu là giải pháp?

Trưởng phòng Lao động việc làm (Sở LĐTB&XH Hà Nội) Phạm Văn Thanh cho biết, thị trường lao động của thành phố đang trong tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ" khiến người lao động khó tìm được việc làm phù hợp. Chất lượng lao động chưa đáp ứng được nhu cầu của DN, đặc biệt là thị trường lao động chất lượng cao. Mặt khác, đa số lao động trong khu công nghiệp trình độ thấp và làm nghề giản đơn, họ thường chỉ làm một chi tiết hoặc công đoạn nào đó trên dây chuyền sản xuất nên khi bị công ty sa thải rất khó tìm được công việc phù hợp.

Trong điều kiện kinh tế suy giảm như hiện nay, Sở LĐTB&XH đã đưa ra con số dự kiến lao động thất nghiệp do suy thoái kinh tế có thể còn tiếp tục diễn ra. Để vực lại thị trường lao động, trong thời gian tới Sở LĐTB&XH sẽ đẩy mạnh liên kết, hợp tác đồng bộ các hoạt động hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo, thực hành gắn kết với nhu cầu sử dụng lao động; thông tin kịp thời thị trường lao động, cung ứng lao động, giới thiệu việc làm và tái đào tạo theo nhu cầu xã hội. Trước mắt, từ nay đến cuối năm, Sở LĐTB&XH cùng các ngành chức năng tổ chức một chương trình đối thoại với các DN trên địa bàn thành phố để nắm được thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động làm cơ sở để giới thiệu, định hướng nghề nghiệp cho người lao động. Sở LĐTB&XH sẽ tập trung nâng cao chất lượng các phiên giao dịch việc làm (được tổ chức 2 lần/tuần), chú trọng đến các huyện vùng sâu, vùng xa; phối hợp với các đoàn thể, tổ chức xã hội khác tổ chức phiên giao dịch việc làm nhằm tạo điều kiện cho các DN tiếp cận người lao động trong vùng và tuyên truyền thông tin về việc làm, học nghề để người lao động lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. Bên cạnh đó, sở sẽ mở rộng các đối tượng cho vay các nguồn quỹ giải quyết việc làm, quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ hỗ trợ đào tạo nghề…

Giải quyết việc làm trong thời buổi khó khăn như hiện nay là bài toán không dễ tìm lời giải. Mặc dù đã có giải pháp, nhưng Sở LĐTB&XH cùng các ngành chức năng của thành phố chắc chắn sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa mới mong giảm tỷ lệ thất nghiệp và đạt được mục tiêu mà Chương trình giải quyết việc làm giai đoạn 2009-2010 và định hướng đến năm 2020 của thành phố đặt ra mục tiêu bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho trên 100.000 lao động; đề án lao động việc làm đến năm 2015 thành phố đưa ra mục tiêu hằng năm giải quyết việc làm cho 135.000 đến 145.000 lao động; giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị xuống dưới 4%; cơ cấu lao động trong các ngành dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp đạt tỷ lệ: 52% - 30,64% - 17,36%. Nhưng cùng với sự nỗ lực của cơ quan chức năng thì rất cần sự nỗ lực vươn lên của chính người lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết việc làm trong giai đoạn khó khăn: Bài toán không đơn giản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.