Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải quyết tốt vấn đề định giá đất sẽ hạn chế được tranh chấp, khiếu nại

Tiến Thành| 07/04/2023 11:49

(HNMO) – Sáng 7-4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách  tiếp tục tiến hành thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Trước đó, chiều 6-4, hội nghị đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn xin ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và một số đại biểu Quốc hội đã phát biểu ý kiến thảo luận về dự án luật này.

Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) thảo luận.

Phương pháp định giá đất cần cụ thể, thực tế

Phát biểu thảo luận sáng 7-4, nhiều đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã góp ý quy định về phương pháp định giá đất bảo đảm cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn Hà Tĩnh) nhấn mạnh nội dung về phương pháp xác định giá đất là vấn đề mà cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), chỉ đề cập đúng một câu về nội dung này và giao Chính phủ quy định chi tiết. “Để dự thảo Luật này bảo đảm tính khả thi và có hiệu lực cao, đề nghị cơ quan soạn thảo nêu rõ các phương pháp định giá và các trường hợp áp dụng cụ thể ngay trong luật”, đại biểu nói.

Còn đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) nêu rõ, nếu coi giá đất được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đã được công chứng, chứng thực là một trong những thông tin đầu vào để xác định giá đất thì khó có thể xác định chính xác giá đất theo nguyên tắc thị trường. Thực tế cho thấy, giá đất ghi trên các hợp đồng chuyển nhượng, kể cả công chứng, thường có sự chênh lệch, bằng hoặc thấp hơn giá trị bảng giá đất được ban hành.

“Do đó, đề nghị coi kết quả xác định giá đất do tổ chức tư vấn định giá đất thực hiện là một trong những căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét quyết định giá đất. Đây cũng là một trong những thông tin đầu vào của việc xác định giá đất”, đại biểu Tạ Thị Yên nói.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu.

Góp ý quy định về định giá đất, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, bên cạnh doanh nghiệp tư nhân hoạt động về định giá đất, cần có đơn vị sự nghiệp công lập của nhà nước hoạt động trên lĩnh vực này. Đại biểu phân tích, nếu doanh nghiệp nhà nước chuyển nhượng đất là tài sản công, bắt buộc đơn vị kiểm tra giá đất phải là một đơn vị công lập. Hơn nữa, nếu đất do Nhà nước thu hồi để sử dụng chung, đơn vị thẩm định cũng phải là đơn vị sự nghiệp công lập, như vậy mới bảo đảm trách nhiệm của nhà nước trong việc quản lý tài sản. Còn nếu là giao dịch tư nhân thì có quyền chọn đơn vị tư vấn là tư nhân.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nêu quan điểm, trong hệ thống nhà nước cấp tỉnh và một số cấp huyện, cần hình thành đơn vị sự nghiệp làm nhiệm vụ tư vấn, định giá đất để nhà nước sử dụng hoặc để nhân dân đối chiếu. Về quyền và nghĩa vụ của đơn vị tư vấn định giá đất, đại biểu cho rằng để hoạt động định giá đất có cơ sở khách quan, cần sử dụng tư liệu quốc gia về đất.

“Đây là điều kiện bắt buộc để hoạt động định giá đất, dù là đơn vị tư nhân hay công lập”, đại biểu nêu quan điểm, đồng thời đề nghị làm rõ thẩm quyền trình giá đất để Hội đồng thẩm định giá đất trong dự thảo luật.

Đại biểu Vũ Trọng Kim (Đoàn Nam Định) thảo luận.

Kiên trì giải bài toán “phù hợp với giá thị trường”

Về quy định bồi thường, tái định cư được cử tri và nhân dân quan tâm, góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Vũ Trọng Kim (Đoàn Nam Định) cho rằng, cần xác định thời gian thực hiện bồi thường, tái định cư, vì đây là nguồn gốc của các khiếu kiện phức tạp. Theo đại biểu, khi tính thời gian thì thực hiện việc tính lãi cho người giao đất, để người được đền bù tích cực trong giải quyết vấn đề. Trong tái định cư cũng phải bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng hạ tầng, văn hóa, cần có bản cam kết giữa bên sử dụng và bên giao đất để giảm thiểu các vấn đề bất đồng, khiếu kiện phức tạp, đạt được sự hài hòa lợi ích giữa hai bên.

Còn đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, nơi tái định cư phải bảo đảm như trong quy định, hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đồng bộ theo quy hoạch chi tiết và có cấp thẩm quyền phê duyệt.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) nhận định, để đánh giá cuộc sống tốt hơn không chỉ dựa vào thu nhập, mà còn dựa trên nhiều tiêu chí, nên cần nghiên cứu rà soát để quy định một cách toàn diện.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tiếp thu, giải trình các ý kiến.

Tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, qua các phiên thảo luận, có khoảng 50% đại biểu Quốc hội đề cập đến tài chính, định giá đất đai. Phó Thủ tướng Chính phủ nhận định, đây là vấn đề quan trọng, nếu giải quyết được vấn đề này thì sẽ hạn chế được các tranh chấp, khiếu nại tố cáo liên quan đến đất đai. Do đó, từ các Luật Đất đai trong suốt thời gian qua, từ 1993 đến nay, các cơ quan kiên trì giải “bài toán” này với mục tiêu đặt ra là phù hợp với giá thị trường.

Phó Thủ tướng Chính phủ chia sẻ, lần này dự thảo luật xác định không tuyệt đối nhưng bảo đảm cơ sở khoa học, thu thập đúng giá đất. Để làm được điều này, đồng chí Trần Hồng Hà cho biết, người dân cần giao dịch đất đai trên sàn, có đăng kí với văn phòng với giá đúng. Trên cơ sở thu thập đầu vào đúng từ sàn giao dịch, cơ sở dữ liệu đất đai, người dân đăng kí thực hiện chuyển quyền đăng kí ở văn phòng để có dữ liệu, và có phương pháp tính đúng, từ đó tính toán và đưa ra giá trị chuẩn.

Một vấn đề khác được nhân dân quan tâm là thu hồi đất đai, đền bù đất đai, hỗ trợ tái định cư, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết cơ quan soạn thảo cố gắng để lượng hóa được nội dung người dân bị thu hồi đất gồm cả đất sản xuất, đất ở có điều kiện sống gồm cả điều kiện ở và điều kiện sản xuất, có sinh kế phải đáp ứng được ít nhất bằng trước đây. “Ban soạn thảo quan niệm đời sống tốt hơn chính là đồng bộ hạ tầng về mặt giao thông, văn hóa, giáo dục, y tế… là những điều kiện sống tốt hơn; về chỗ ở có diện tích lớn hơn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Quang cảnh hội nghị sáng 7-4.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết đã có 29 đại biểu Quốc hội nêu ý kiến thảo luận. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng các ý kiến đóng góp cho dự án Luật Đất đai (sửa đổi) của đại biểu Quốc hội; đồng thời mong muốn các cơ quan, đơn vị tiếp tục tham gia ý kiến để hoàn thiện dự án luật, bảo đảm chất lượng, tính khả thi của Luật Đất đai (sửa đổi) khi có hiệu lực thi hành.

Phát biểu kết thúc hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, sau gần 3 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã thảo luận, góp ý vào 7 dự án luật, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, cụ thể, xác đáng.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã thảo luận để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo luật đúng theo quy định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết tốt vấn đề định giá đất sẽ hạn chế được tranh chấp, khiếu nại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.