(HNM) - Không chỉ xuất hiện tại các chung cư cũ, việc sử dụng, lấn chiếm không gian công cộng để buôn bán, kinh doanh, đỗ xe... đã và đang xảy ra tại nhiều khu chung cư mới xây trên địa bàn Hà Nội. Thực trạng này tạo nên những hình ảnh lộn xộn, nhếch nhác, phản cảm cho bộ mặt các chung cư nói riêng và cảnh quan đô thị Hà Nội nói chung. Để giải quyết tình trạng này, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cơ quan chức năng, đặc biệt là cần có những đơn vị quản lý, vận hành chung cư chuyên nghiệp.
Mất trật tự, mất an toàn
Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới vào 7h00, 11h30, 17h00 hằng ngày, tại các tòa nhà ở Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (quận Thanh Xuân và Cầu Giấy), tình trạng các hộ dân lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh ăn uống, giải khát diễn ra phổ biến. Điều đáng nói là nhiều nhân viên cửa hàng đứng ra hè, đường vẫy khách, thậm chí tranh giành nhau "địa phận" để xe, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Chị Nguyễn Hoàng Lan, cư dân nhà 17T1 Trung Hòa - Nhân Chính cho biết: "Chúng tôi đi làm cả ngày, chỉ mong tối về có một không gian yên tĩnh. Tuy nhiên, hàng ăn uống, giải khát luôn hoạt động đến đêm khuya, tiếng người cười nói, ăn uống ồn ào không dứt".
Tại Khu đô thị Dịch Vọng (quận Cầu Giấy), hàng trăm chiếc xe ô tô đỗ xung quanh các tòa nhà N06B1, N06B2, N08... và chiếm gần hết đường đi nội bộ. Cùng với các quán ăn, hộ kinh doanh rau củ quả, đồ gia dụng, khiến bộ mặt Khu đô thị nhếch nhác. Cũng trên địa bàn quận Cầu Giấy, dưới chân các tòa nhà NO2, NO3, NO4, NO5, NO6 khu 5.03ha phường Dịch Vọng cũng tồn tại các tổ hợp kinh doanh buôn bán tấp nập, lộn xộn với đủ chủng loại, từ trà đá, hoa quả đến cơm, phở, cà phê... Đường nội bộ chật kín ô tô, xe máy hai bên đường và vỉa hè.
Tại chung cư nhà B phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm), hiện có 3/4 số phòng để xe của cư dân đã bị chủ đầu tư bán hoặc cho người khác thuê để bán cà phê, cắt tóc. Lối thoát hiểm của tòa nhà biến thành nơi kinh doanh, nhà ở... Ông Nguyễn Văn Cầm, Trưởng ban Quản trị tòa nhà cho biết: "Ban Quản trị đã nhiều năm đấu tranh đòi lại quyền lợi cho các cư dân nhưng đến nay vẫn bị bỏ ngỏ".
Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm
Nhằm chấn chỉnh tình trạng lộn xộn, mất mỹ quan đô thị tại các tòa nhà chung cư, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp. Ông Nguyễn Việt Trung, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) cho biết, phường đã chỉ đạo, phân công cán bộ quản lý, giám sát chặt chẽ, không để các hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường các tuyến phố đã được đặt tên.
Dưới góc độ quản lý đô thị, ông Trương Minh Quang, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa cho biết, UBND quận đã yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản trị làm rõ diện tích chung, riêng theo hồ sơ được duyệt để quản lý và giám sát, phân định rõ trách nhiệm quản lý đối với các diện tích chung. Đặc biệt, UBND quận giao cho các phòng, ban chức năng tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ như nhà hàng, cà phê... lấn chiếm vỉa hè, kiên quyết thu hồi giấy phép kinh doanh với các cơ sở vi phạm.
Còn bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai cho hay, một số tòa nhà chung cư xây dựng trước Luật Nhà ở 2005, chủ đầu tư chưa bàn giao hạ tầng cho ban quản trị, cũng không quản lý tốt. Để tránh bức xúc kéo dài, UBND quận Hoàng Mai thường xuyên có các văn bản chỉ đạo UBND các phường rà soát, giải quyết ngay vi phạm, bảo đảm đời sống của người dân. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ có các biện pháp xử phạt theo quy định.
Về các tòa chung cư chưa có ban quản trị, ông Cao Đức Đại, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội cho biết, đơn vị đang yêu cầu các xí nghiệp rà soát cụ thể số tòa nhà chưa có ban quản trị để có căn cứ gửi công văn đề nghị chính quyền sở tại tiếp nhận quản lý nhà nước theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Thông tư 02/2016/TT-BXD về ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ngày 15-2-2016. Khi có số liệu đầy đủ thì những vi phạm diện tích chung sẽ được các địa phương tiếp nhận xử lý.
Thực tế cho thấy, thời gian qua các cấp chính quyền, cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt. Tuy nhiên, để quản lý hiệu quả hơn các chung cư cần phải thành lập các công ty quản lý, vận hành chuyên nghiệp. Hiện tại, mô hình xây tường bao quanh, lắp cầu bập bênh, ngựa quay, ghế đá... nhằm bảo vệ không gian sống cho cư dân đang dần lan tỏa trên địa bàn thành phố. Đây cũng là một biện pháp ngăn chặn hành vi chiếm dụng đang diễn ra hiện nay. Tuy nhiên, nếu ban quản trị quản lý không tốt thì các giải pháp đều trở thành "bắt cóc bỏ đĩa".
"Việc vận hành tòa nhà phải cần đơn vị chuyên nghiệp, có kiến thức đảm trách. Chủ đầu tư xây dựng tòa nhà cũng cần nắm rõ quy trình, gắn trách nhiệm trong quá trình vận hành chung cư" - ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.