(HNM) - Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về
Trước hết phải khẳng định, với nhiều chương trình, dự án, đề án được triển khai thời gian qua, công tác giảm nghèo của nước ta đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, năm sau luôn giảm hơn năm trước. Đặc biệt, tại TP Hà Nội, tỷ lệ hộ nghèo năm 2017 giảm chỉ còn 1,69% (trong khi cả nước là 6,7%), nhiều địa phương cơ bản không còn hộ nghèo...
Tuy vậy, kết quả trên vẫn chưa phản ánh toàn diện bức tranh giảm nghèo trên cả nước. Thực tế như một vòng luẩn quẩn, các chương trình hỗ trợ trực tiếp giúp nhiều hộ thoát nghèo, nhưng do chưa có chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo hiệu quả nên các hộ thoát nghèo chỉ sau một đợt thiên tai, dịch bệnh là có thể nghèo lại hoàn nghèo. Đây là minh chứng rõ nhất của việc thoát nghèo chưa bền vững, cần phải thẳng thắn nhìn nhận bởi nguồn lực dành cho công tác này những năm qua là không hề nhỏ.
Xác định rõ nguyên nhân, chúng ta không thể không nhắc tới yếu tố xuất phát điểm thấp của nền kinh tế, nhất là ở vùng miền núi. Cũng không thể bỏ qua ảnh hưởng của thiên tai hằng năm gây nhiều thiệt hại nặng nề. Nhưng đây chỉ là những lý do khách quan...
Tại sao vẫn có nghịch lý là nhiều hộ dân, địa phương không muốn... thoát nghèo? Rồi có chuyện chính sách ưu đãi hộ nghèo áp dụng "nhầm" vào nhà cán bộ hoặc người nhà cán bộ "ghép" vào hộ nghèo... Hiện tượng này không phổ biến, nhưng cho thấy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cơ sở và tầm quan trọng về nhận thức, quyết tâm của người dân để thoát nghèo.
Trên bình diện rộng hơn, là nguồn lực giảm nghèo được thiết kế dành cho quá nhiều chính sách khác nhau, có nhiều bộ, ngành quản lý. Từ đó, nguồn lực bị dàn trải, nhiều chính sách chưa khuyến khích người nghèo tích cực, chủ động vươn lên thoát nghèo.
Làm thế nào để thoát khỏi vòng luẩn quẩn nghèo - tái nghèo?
Thực tế, giảm nghèo bền vững rất phức tạp, không phải việc "ngày một ngày hai" là xong. Vì vậy, ngoài tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, các bộ, ngành liên quan và địa phương cần làm tốt việc phân bổ nguồn lực.
Cùng với đó là các chính sách có tính chất cào bằng, nặng về “cho” cần được xem xét, đánh giá lại. Mỗi hộ nghèo có nguyên nhân, hoàn cảnh khác nhau, nhưng chính sách của chúng ta lại chưa phân biệt, hỗ trợ như nhau - giống như phát quà từ thiện, thì đồng vốn giúp đỡ sẽ khó trở thành động lực thoát nghèo. Nói cách khác, hãy tạo "cần câu" là tập trung hỗ trợ sản xuất cho họ tự vươn lên.
Việc tiếp cận theo hướng đa chiều trong công tác giảm nghèo cũng phải được các địa phương thực hiện hiệu quả hơn. Theo đó, giảm nghèo không đơn thuần là giúp người dân đủ cơm ăn, áo mặc, mà còn phải bảo đảm để mọi người có thể tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin...
Trong quá trình thực hiện không thể chạy theo thành tích về con số giảm nghèo mà phải giải quyết cho được gốc rễ của vấn đề. Đó là cần giúp người nghèo hiểu rằng, muốn thoát nghèo bền vững, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, họ phải vươn lên bằng nỗ lực, ý chí và sức lao động của bản thân.
Muốn phát triển bền vững thì phải giảm nghèo bền vững, đó là nguyên tắc. Chỉ khi nhìn nhận thẳng thắn hiệu quả công tác giảm nghèo thì mới giải quyết được tận gốc rễ vấn đề.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.