Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải quyết công việc cần thấu tình, đạt lý

Minh Thúy| 28/09/2012 07:15

(HNM) - Trong hai ngày 26 và 27-9, tại Hội nghị kiểm điểm tập thể, cá nhân Ban Cán sự UBND TP theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) và Hội nghị giao ban giữa Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP với các quận, huyện về giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo (KNTC) liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng (GPMB) 9 tháng đầu năm 2012, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã yêu cầu cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp hãy đặt mình vào vị trí của người dân để giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền lợi và cuộc sống của nhân dân. Theo Bí thư Thành ủy, đó là biện pháp căn bản nhất để giải quyết vụ việc một cách thấu tình đạt lý những vấn đề dân sinh bức xúc…


Khiếu nại tố cáo liên quan đến quản lý đất đai ngày càng phức tạp

Nói ngay trong công tác giải quyết đơn thư KNTC liên quan đến quản lý đất đai và GPMB, một lĩnh vực có thể nói là nóng bỏng nhất, phức tạp nhất, liên quan đến cuộc sống của người dân nhiều nhất và cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định nhất. Tình trạng KNTC chủ yếu xảy ra ở một số địa phương đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng phải thực hiện công tác GPMB (như Hà Đông, Từ Liêm, Sóc Sơn, Đông Anh, Quốc Oai); do buông lỏng công tác quản lý đất đai (như Quốc Oai, Phú Xuyên, Thanh Oai, Chương Mỹ, Mê Linh)… Đáng chú ý, số lượng KNTC liên quan đến công tác quản lý đất đai, GPMB chiếm đến 75% (cả nước là 70%) và ngày càng có chiều hướng gia tăng cả về số vụ, số lượng người tham gia khiếu kiện và mức độ phức tạp mà theo nhận định của nhiều đồng chí lãnh đạo thì nếu không có cách giải quyết khôn khéo, kịp thời, dứt điểm, rất có thể sẽ dẫn đến hiệu quả nghiêm trọng, làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào hệ thống chính quyền, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ANTT và làm xấu đi hình ảnh của Thủ đô.

Có nguyên nhân chủ quan từ cán bộ…

Theo phân tích, đánh giá của một số quận, huyện có số vụ và đông người tham gia KNTC liên quan đến đất đai, GPMB mà Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị rất tâm đắc tại hội nghị giao ban TP 9 tháng đầu năm 2012 thì loại trừ một số vụ rất ít do một số đối tượng "nghiện" khiếu kiện, quá khích, kích động khiếu kiện với động cơ xấu, để trục lợi, thì phần đông người dân chỉ tham gia khiếu kiện khi quyền lợi chính đáng bị xâm hại, do bất bình với cách xử lý của cán bộ cơ sở và chủ doanh nghiệp, chứ không ai bỗng nhiên bỏ nhà bỏ cửa để "ăn đợi nằm chờ" hết ngày này qua ngày khác tại các trụ sở tiếp dân và nhà riêng của các đồng chí lãnh đạo? Như vậy, cũng có nghĩa là công tác thu hồi đất, GPMB, giải quyết đơn thư KNTC, bảo đảm quyền lợi của người dân bị thu hồi đất, như là chính sách (và quy trình) đền bù, tái định cư, giải quyết việc làm; trách nhiệm của bộ máy chính quyền; trách nhiệm của chủ đầu tư… đều "có vấn đề", cần phải giải quyết, chỉnh sửa. Nhận định trên càng có cơ sở khi báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND TP cũng thừa nhận, hiện nay hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai, GPMB chưa hoàn thiện, thường xuyên sửa đổi, bổ sung… tạo tâm lý so bì, thắc mắc, khiếu kiện về quyền lợi được hưởng đối với người bị thu hồi đất để GPMB. Do lịch sử của công tác quản lý đất đai để lại còn nhiều hạn chế, bất cập, tạo điều kiện để cho cán bộ địa chính có cơ hội tiêu cực, nhũng nhiễu. Do có sự chênh lệch giữa giá đất thực tế trên thị trường và khung giá đất do Chính phủ quy định (theo tính toán của nhiều chuyên gia thì tỷ lệ này thấp nhất là 10%), làm người dân bị thiệt thòi, dẫn đến khiếu kiện. Bên cạnh đó còn phải kể đến một số nguyên nhân chủ quan khác như nhận thức về pháp luật và trách nhiệm trong giải quyết KNTC của một bộ phận cán bộ còn thấp. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức tiếp công dân, giải quyết KNTC của chính quyền các cấp một số nơi còn thiếu quyết liệt; còn có tâm lý ngại va chạm, né tránh, sợ liên đới trách nhiệm. Cán bộ địa chính một số nơi còn hạn chế về trình độ, kinh nghiệm? Việc giải quyết của chính quyền các cấp ở một số nơi có dự án nhiều khi còn "nghiêng" về bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp hơn là bảo đảm quyền lợi cho người dân… cũng là nguyên nhân căn bản dẫn đến khiếu kiện.

Đặt nhân dân vào vị trí trung tâm

Theo Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị thì biện pháp căn bản nhất, lâu dài nhất để giải quyết tình trạng KNTC, GPMB… chính là việc đặt nhân dân vào vị trí trung tâm. Như vậy mới là cách giải quyết thấu tình đạt lý mỗi khi có vấn đề liên quan đến cuộc sống, lợi ích của nhân dân. Trong đó, mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu phải đặt mình vào vị trí của người dân để hiểu nỗi khổ của người dân, lo cho cái lo của nhân dân và bảo đảm quyền lợi, kiến nghị chính đáng của người dân trong khuôn khổ của pháp luật, không để người dân bị thua thiệt khi thực hiện các dự án đầu tư liên quan đến đất đai, GPMB trên địa bàn, bảo đảm cuộc sống người dân và an sinh xã hội. Bên cạnh đó, cũng phải thấy được những bất cập trong chế độ chính sách liên quan đến quản lý đất đai, GPMB để đề nghị Nhà nước, TP có biện pháp hoàn thiện, chỉnh sửa theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và bảo đảm công bằng xã hội. Có như vậy, mục tiêu thực hiện CNH, HĐH mới thực sự có ý nghĩa. Đây cũng là một việc "cần làm ngay" để thực hiện một cách thiết thực Nghị quyết TƯ4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay" với mong muốn tạo ra được những kết quả cụ thể, rõ rệt để củng cố niềm tin của cán bộ, niềm tin của nhân dân nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết công việc cần thấu tình, đạt lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.