Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải quyết các vấn đề “nóng”, nhạy cảm, bức xúc còn dè chừng

Ngân Hạ| 02/12/2013 10:00

(HNMO)- Báo cáo tóm tắt của UBND TP nhận định đó là một trong những nguyên nhân chủ quan khiến tình hình thực hiện kinh tế - xã hội Thủ đô trong năm 2013 còn tồn tại nhiều hạn chế.

Ngay sau phiên khai mạc kỳ họp lần thứ 8 HĐND TP Hà Nội trong sáng nay (2-12), Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh đã trình bày báo cáo tóm tắt về tình hình thực hiện kinh tế-xã hội năm 2013 và kế hoạch năm 2014. Báo cáo nhấn mạnh: “Tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu phục hồi, các ngành, lĩnh vực kinh tế đều duy trì tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước“.

Nợ đọng trong xây dựng cơ bản chưa được khắc phục


Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 8,25% - đạt kế hoạch đề ra là từ 8,0-8,5% và cao hơn năm trước (năm 2012 là 8,06%) và bằng 1,53 lần mức tăng chung của cả nước; trong đó, dịch vụ tăng 9,42%, công nghiệp - xây dựng tăng 7,56% và nông nghiệp tăng 2,46%.

Trong điều kiện khó khăn về kinh tế, thu ngân sách bị giảm nhiều, TP đã chỉ đạo quyết liệt để thực hiện thu đúng, thu đủ, đồng thời tiết kiệm chi, huy động nguồn lực để đảm bảo chi theo dự toán. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 136.767 tỷ đồng, bằng 84,7% dự toán, trong đó, thu ngân sách địa phương được hưởng từ các khoản thu NSNN theo phân cấp tính trong cân đối là 45.102 tỷ đồng, đạt 79,2% dự toán, giảm 11.823 tỷ đồng so với dự toán đầu năm. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 56.217 tỷ đồng.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, UBND TP đã cắt giảm 160 tỷ đồng của 9 dự án đến ngày 20/8/2013 chưa phát hành hồ sơ mời thầu, chưa phê duyệt kế hoạch đấu thầu để bổ sung dự phòng ngân sách; 1.281 tỷ đồng của các dự án giải ngân chậm để đảm bảo cân đối; đồng thời đã huy động 2.000 tỷ đồng từ trái phiếu xây dựng Thủ đô để đầu tư các công trình trọng điểm của TP, chuẩn bị tiếp tục huy động nguồn trái phiếu vào cuối năm 2013.

Các hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng xã hội vẫn tăng trưởng, tuy nhiên mức độ sôi động kém hơn năm 2012


Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 0,57% so tháng 9, tăng 6,39% so với tháng 12/2012. Bình quân 10 tháng đầu năm, CPI tăng 6,25%. Với xu thế như hiện nay, CPI năm 2013 dự báo sẽ thấp hơn 8% (năm 2012 là 8,57%).

Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh đánh giá, bên cạnh kết quả đạt được, kinh tế xã hội Thủ đô còn một số tồn tại, hạn chế như sản xuất kinh doanh tiếp tục khó khăn; kim ngạch xuất khẩu, vốn đầu tư xã hội không đạt kế hoạch. Thị trường bất động sản tuy có chuyển biến, song còn chậm; thu ngân sách không đạt dự toán. Công tác đấu giá quyền sử dụng đất gặp khó khăn, thu tiền sử dụng đất đạt thấp so với những năm trước. Tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản chưa được khắc phục, nhất là trên địa bàn các huyện.

Về quản lý đô thị, môi trường, sự phối hợp quản lý các khu đô thị (sau đầu tư) còn bất cập, đặc biệt là việc quản lý các khu nhà tái định cư phục vụ di dân GPMB. Các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường chưa được kiểm soát chặt chẽ, tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số làng nghề, một số khu, cụm công nghiệp là vấn đề bức xúc, chưa có giải pháp và vốn xử lý dứt điểm. Công tác thu gom, xử lý chất thải rắn và chất thải nguy hại vẫn còn hạn chế, rác thải tồn đọng tại các khu vực ngoại thành cần tập trung hơn.

Tình hình ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông mặc dù hàng năm đều giảm trên cả 3 tiêu chí nhưng vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp.

Về các lĩnh vực xã hội và an ninh trật tự, công tác quản lý hành nghề y dược tư nhân còn hạn chế, và quản lý nhà nước của ngành y tế còn để xảy ra một số vụ việc phức tạp. Khiếu kiện đông người tăng cả về số đơn, lượt người và đoàn đông người; cả về tính chất phức tạp, đa dạng và thành phần.

Quản lý hành nghề y dược tư nhân còn hạn chế


Trong lĩnh vực an ninh thông tin còn tiềm ẩn nhiều phức tạp bởi hoạt động lợi dụng blog, mạng xã hội, “diễn đàn” để tuyên truyền, phổ biến quan điểm, tư tưởng và tài liệu xấu; hacker tấn công vào các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đang có xu hướng gia tăng.

Tệ nạn xã hội, đặc biệt là hoạt động cờ bạc, mại dâm “trá hình” còn phức tạp. Hoạt động mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép ma túy tổng hợp có xu hướng gia tăng. Tình trạng mua bán, sử dụng ma túy nhỏ lẻ tại một số địa bàn công cộng, vũ trường, bar, karaoke... vẫn còn diễn ra.

Tội phạm, vi phạm về môi trường vẫn còn diễn ra như xả thải công nghiệp không qua xử lý; nhiều vi phạm pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm, buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã, buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia cầm, nội tạng động vật chưa qua kiểm dịch hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng còn nhiều tồn tại, khó kiểm soát, khó phát hiện.

Ngoài nguyên nhân khách quan do tác động nặng nề, phức tạp của suy thoái kinh tế thế giới và những yếu kém nội tại của nền kinh tế, UBND TP nhận định nguyên nhân chủ quan chủ yếu là do trong lãnh đạo, quản lý, điều hành ở một số cấp, ngành, lĩnh vực trong giải quyết công việc chưa thực sự quyết liệt, còn trì trệ, thiếu năng động sáng tạo; cách thức triển khai giải quyết các vấn đề “nóng”, nhạy cảm, bức xúc còn dè chừng hoặc có làm nhưng chưa được nhìn nhận thẳng thắn, không có đánh giá sâu về vấn đề đã xảy ra và đề xuất giải pháp tháo gỡ trong giai đoạn trước mắt cũng như lộ trình dài hạn

Sự phối kết hợp của các cấp, ngành trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện trong một số công việc còn chưa chủ động, thiếu chặt chẽ, thiếu hiệu quả. Công tác dự báo còn chưa được quan tâm đúng mức; việc xử lý công việc mang tính chất tức thời, vai trò chủ trì của một số cơ quan theo chức năng nhiệm vụ chưa thực sự chủ động, hiệu quả.

Những nội dung này sẽ được đại biểu HĐNTP thảo luận tại các tổ trong chiều nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết các vấn đề “nóng”, nhạy cảm, bức xúc còn dè chừng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.