Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải phóng Trường Sa và vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo

Nguyên Minh| 05/04/2015 06:31

(HNM) - Các đảo và quần đảo trên Biển Đông là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc và có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.


Quyết tâm chiến lược

Sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, tình hình chiến trường miền Nam diễn biến hết sức mau lẹ, thời cơ mới xuất hiện. Theo đề xuất của Bộ Tổng tham mưu, Quân ủy Trung ương trình Bộ Chính trị về việc giải phóng Trường Sa. Cũng trong thời gian này, Chính ủy Quân chủng Hải quân Hoàng Trà được điều động về làm việc cạnh Bộ Tổng tham mưu, theo dõi tình hình địch trên biển và đề xuất nhiệm vụ của Hải quân trong các đòn tiến công chiến lược. Sau khi Trị Thiên - Huế, Đà Nẵng được giải phóng, hai quân đoàn thiện chiến và hai quân khu phía Bắc của Việt Nam cộng hòa bị xóa sổ, chính quyền và quân đội Sài Gòn lâm vào tình trạng hoang mang suy sụp. Thời cơ giải phóng biển đảo, thống nhất đến nhanh hơn bao giờ hết.

Bộ đội ta giải phóng đảo Song Tử Tây. Ảnh tư liệu


Ngày 4-4-1975, thay mặt Thường vụ Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi một bức điện cho Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân, chính thức giao nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa, trong đó chỉ rõ: "Theo chỉ thị của Bộ Chính trị, Thường vụ Quân ủy giao nhiệm vụ cho Khu ủy, Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân khẩn trương nghiên cứu kế hoạch tác chiến và tiến hành mọi công tác chuẩn bị để khi có thời cơ thì kịp thời giải phóng quần đảo Trường Sa, coi đó là một nhiệm vụ rất quan trọng". Đồng thời, Bộ Tổng tham mưu quyết định điều Sở chỉ huy tiền phương của Bộ Tư lệnh Hải quân di chuyển vào Đà Nẵng chuẩn bị cho nhiệm vụ tác chiến giải phóng khu vực biển đảo.

Quyết tâm của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Hải quân trong việc đánh Trường Sa được xác định rõ: Bám sát tình hình, tranh thủ thời cơ có lợi nhất để giải phóng đảo, kiên quyết không để lực lượng nào khác đến đánh chiếm đảo trước ta. Trong bối cảnh quốc tế phức tạp, nhiệm vụ giải phóng các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông mà Quân đội Sài Gòn đang chốt giữ, đặt ra hết sức cấp bách, nhưng giải phóng vào thời điểm nào và bằng cách nào để giảm thấp nhất thương vong cho bộ đội, là một bài toán hóc búa. Những phương án hết sức cặn kẽ đã được vạch ra với mục tiêu tiến công đầu tiên là đảo Song Tử Tây, tiếp đó là các đảo Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa. Đoàn đặc công 126 từng đánh chìm nhiều tàu địch ở Cửa Việt là chủ công cùng một bộ phận hỏa lực của Quân khu 5. Những con tàu "không số" từng qua lại khu vực quần đảo Trường Sa của Đoàn Hải quân 125 đảm nhiệm việc chở lực lượng tiến công các đảo. Phương châm tác chiến là bí mật, bất ngờ.

Ngày 9-4-1975, mệnh lệnh đánh Song Tử Tây được truyền xuống các đơn vị. Rạng sáng 14-4, các mũi tiến công đồng loạt nổ súng, bị đánh bất ngờ, địch chống trả yếu ớt, sau 30 phút lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được treo lên cột cờ. Sau khi giải phóng Song Tử Tây, ta để lại một bộ phận chốt giữ đảo, lực lượng còn lại quay về Đà Nẵng. Ngay sau đó, một kế hoạch đánh chiếm các đảo còn lại của quần đảo Trường Sa được hoàn tất với lực lượng của Đoàn 126 và một bộ phận đặc công Quân khu 5 và sẽ đánh đồng loạt Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn trong cùng một đêm. 4h sáng ngày 21-4, các tàu nhổ neo hướng ra Trường Sa. 2h30 ngày 25-4, trận đánh đảo Sơn Ca bắt đầu và chỉ sau nửa giờ, giải phóng hoàn toàn đảo Sơn Ca. Địch ở quần đảo Trường Sa càng hoang mang, vội vàng tháo chạy. Ngày 27-4, quân ta hoàn toàn làm chủ đảo Nam Yết; ngày 28-4, làm chủ đảo Sinh Tồn; ngày 29-4, giải phóng đảo Trường Sa - đảo xa nhất ở phía nam của quần đảo, kết thúc nhiệm vụ đặc biệt quan trọng mà Quân ủy Trung ương giao cho Quân chủng Hải quân là giải phóng quần đảo Trường Sa thân yêu.

Chủ quyền thiêng liêng

Có thể nói, việc giải phóng quần đảo Trường Sa nói riêng và các đảo trên Biển Đông là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, góp phần to lớn vào thắng lợi chung của toàn dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến công này không chỉ tô thắm truyền thống hào hùng của Hải quân nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà còn thể hiện tinh thần quyết chiến quyết thắng, khát vọng giải phóng dân tộc của quân và dân ta. Và vào ngày 12-5-1977, Chính phủ ra Tuyên bố về các vùng biển, đảo của Việt Nam. Đây cũng là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh quốc tế phức tạp liên quan đến Biển Đông.

Đánh giá biển, đảo có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ra Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Trong đó, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh là một nội dung cơ bản, quan trọng. Những năm gần đây, chúng ta đã đạt được kết quả bước đầu trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường, củng cố quốc phòng - an ninh trên các vùng biển, đảo. Tuy nhiên, tình hình thế giới và khu vực ngày càng diễn biến phức tạp, đang đặt ra nhiều vấn đề cũng như những thách thức mới. Do vậy, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo kết hợp phát triển kinh tế - xã hội đang đặt ra những đòi hỏi mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp. Ta phải biết giữ gìn lấy nó". Hướng ra biển lớn, bên cạnh việc tạo ra các cơ chế, chính sách gắn phát triển kinh tế với quốc phòng - an ninh trên từng vùng biển đảo thì việc xây dựng các ngành kinh tế mũi nhọn có khả năng khai thác tài nguyên kết hợp nhiệm vụ bảo vệ những vùng biển, đảo xa bờ và việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc cần được xem là những lĩnh vực ưu tiên. Một vấn đề khác, bên cạnh quần đảo Trường Sa, những đặc khu kinh tế Phú Quốc, Vân Đồn, thì đầu tư xây dựng các đảo Cát Bà, Cô Tô, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo... thành những huyện đảo trù phú, phát triển kinh tế du lịch những căn cứ hậu cần, kỹ thuật vững chắc, những pháo đài bất khả xâm phạm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng...

Cùng với việc nâng cao nhận thức của người dân đối với chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, việc tạo sự đồng thuận xã hội trong đấu tranh với các đối tượng tranh chấp, lấn chiếm có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Chúng ta cần nhất quán với phương châm: Giải quyết tranh chấp trên biển, đảo chủ yếu bằng đàm phán, bằng tòa án quốc tế, bằng việc dựa vào các tổ chức trong khu vực và tăng cường hợp tác quốc tế. Trên cơ sở đàm phán, sớm đạt được một thỏa thuận với các nước xung quanh Biển Đông để phân định biên giới trên biển, tạo sự gắn bó, xây dựng lòng tin giữa Việt Nam với các nước. Đồng thời gắn đối ngoại và đấu tranh pháp lý với quốc phòng và bảo đảm an ninh trên biển.

Chiến công giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo trên Biển Đông tiếp tục là lời nhắn nhủ về chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của Tổ quốc!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải phóng Trường Sa và vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.