Góc nhìn

Giải phóng nguồn lực tài nguyên

Bắc Vũ 08/11/2023 - 06:49

Trung tâm Phát triển quỹ đất (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) vừa tổ chức đấu giá thành công quyền khai thác 3 mỏ cát trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tổng số tiền tổ chức, cá nhân trúng đấu giá là gần 1.700 tỷ đồng.

Có nhiều lợi ích từ việc đấu giá thành công các mỏ cát. Đó là mang về nguồn thu cho ngân sách, bổ sung nguồn cung vật liệu xây dựng phong phú hơn cho thị trường.

Đặc biệt, việc tổ chức đấu giá thành công quyền khai thác 3 mỏ cát còn tạo ra sự minh bạch, công khai trong cấp quyền khai thác tài nguyên, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội.

Những lợi ích trên thể hiện qua việc mỏ Châu Sơn (xã Châu Sơn, huyện Ba Vì), có trữ lượng cát được cấp quyền khai thác hơn 700.000m3, với giá khởi điểm hơn 2,8 tỷ đồng, song qua 89 vòng đấu giá, số tiền trúng đấu giá lên tới hơn 396 tỷ đồng, gấp 137 lần giá khởi điểm. Đáng chú ý, mỏ Liên Mạc (Thượng Cát), phường Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm), có trữ lượng cát 508.603m3, giá khởi điểm 2,051 tỷ đồng; sau 53 vòng đấu, giá đấu trúng lên tới 408,290 tỷ đồng, gấp gần 200 lần giá khởi điểm. Còn mỏ Tây Đằng - Minh Châu trên địa bàn thị trấn Tây Đằng, xã Minh Châu và xã Chu Minh (huyện Ba Vì) có trữ lượng cát khai thác 4.899.000m3, cũng có giá trị cao sau đấu giá, đạt 883,930 tỷ đồng.

Lâu nay, việc khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nhất là đất đai, nước, khoáng sản một cách hiệu quả, công khai, minh bạch luôn là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm. Trong đó, việc khai thác cát trên các dòng sông chảy qua địa bàn Hà Nội trở thành vấn đề nóng bỏng, bởi thực tế ở một số khu vực thường xảy ra tình trạng khai thác trái phép, ảnh hưởng đến công trình đê điều, khu dân cư ven sông và diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

Do đó, sự kiện đấu giá thành công 3 mỏ cát là một trong những kết quả nổi bật trong việc cụ thể hóa Chương trình số 05-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”.

Nhìn rộng ra, việc tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nhất là đất đai, nước, khoáng sản trên địa bàn Hà Nội là yêu cầu cấp thiết. Theo đó, nhiệm vụ quan trọng hiện nay là các cấp, ngành, địa phương cần thực hiện hiệu quả các quy hoạch tài nguyên và môi trường, quy hoạch bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch về sử dụng đất, bảo vệ môi trường lồng ghép với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội… Đây là bước đi quan trọng để tiếp tục sử dụng các loại tài nguyên thiên nhiên một cách công khai, minh bạch và hiệu quả.

Cùng với đó, các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra trong công tác quản lý đất đai, hoạt động khoáng sản và xử lý nghiêm, triệt để các vi phạm. Đồng thời, cần thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản; kiểm soát tốt các tác động đến môi trường của các dự án khai thác tài nguyên, chủ động phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt quan tâm đến những dự án lớn, công nghệ phức tạp và có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.

Nếu chủ động tham mưu về cơ chế, chính sách theo pháp luật hiện hành để sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch tài nguyên thiên nhiên, thì sẽ giải phóng nguồn lực quan trọng này, phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải phóng nguồn lực tài nguyên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.