(HNM) - Việc ứng dụng công nghệ cao nhằm xử lý tình trạng ô nhiễm, đặc biệt từ nguồn dầu, mỡ động thực vật là một trong những giải pháp hiệu quả nhằm giải quyết vấn đề từ
Nguy cơ từ nước nhiễm dầu mỡ
Theo các chuyên gia về xử lý nước thải, với tính chất của dầu, mỡ là không hòa tan trong nước, có độ bám dính cao, những hồ nước bị ô nhiễm dầu, mỡ nếu không có sự kiểm soát triệt để tại chỗ sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường. Nguyên nhân là do dầu mỡ quấn lại với nhau, tạo thành các mảng lớn bám bề mặt hoặc treo bên trong cống. Càng lâu, lượng mỡ tích tụ càng dày và làm tắc nghẽn đường ống thoát nước...
Thời gian qua, Hà Nội đã ứng dụng nhiều công nghệ để làm sạch nước hồ trên địa bàn. |
Kết quả khảo sát tại các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét và 13 hồ trên địa bàn Hà Nội cho thấy tất cả các sông, hồ trên đều bị nhiễm dầu mỡ chủ yếu có nguồn gốc từ động, thực vật. Tổng lượng mỡ trong sông, hồ từ 0,5 đến 2,5mg/lít, cao hơn tiêu chuẩn quốc gia về nước mặt là 0,5mg/lít. Nguyên nhân là do các cửa hàng ăn uống, khách sạn, khu chế biến, khu dân cư đã xả trực tiếp nguồn nước thải không qua xử lý ra sông, hồ trên địa bàn Hà Nội.
Để khắc phục tình trạng trên, mới đây, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội đã phối hợp với các chuyên gia về nước của Hungary bàn biện pháp để tách dầu mỡ, làm sạch nước hồ ở Hà Nội. Theo các chuyên gia, TP Hà Nội nên sử dụng thiết bị tách dầu mỡ bằng nhựa PARCO-P và thiết bị tách dầu mỡ bằng thép EVVIA TNS. Hai loại thiết bị này có đặc tính nhỏ gọn, dễ lắp đặt, bảo trì, hiệu quả tách mỡ cao, giảm ô nhiễm môi trường sông, hồ trên địa bàn.
Ông Kovacs Karoly, Chủ tịch Hiệp hội nước Hungary, nguyên Chủ tịch Hiệp hội nước Châu Âu cho biết, hiện ở Hungary cũng như một số nước Châu Âu, các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà hàng, khách sạn, cửa hàng xăng dầu, khu chế biến, khu dân cư, nước trước khi thải ra môi trường sẽ được xử lý qua thiết bị tách dầu mỡ bằng thép hoặc nhựa.
Phía Hungary sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình trên lĩnh vực tách dầu mỡ từ các cơ sở kinh doanh cũng như từ nước mưa để làm sạch môi trường cho Hà Nội. “Mặc dù chi phí để lắp đặt khá tốn kém nhưng lợi ích đem lại cho môi trường sống của người dân sẽ rất lớn”, ông Kovacs Karoly chia sẻ.
Cân nhắc, đánh giá tác động
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, việc tách dầu mỡ từ nước thải, nước mưa trước khi đưa ra môi trường là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, áp dụng thiết bị tách nước thải chủng loại nào cũng cần được tính toán kỹ lưỡng, phù hợp với điều kiện khí hậu, môi trường và thực tế của Hà Nội.
Ông Ứng Quốc Dũng, Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng, thời gian qua, Hà Nội ứng dụng công nghệ Redoxy-3C làm sạch nước hồ trên địa bàn đang phát huy hiệu quả, tuy nhiên thực chất mới chỉ là làm phần "ngọn". Về lâu dài để xử lý triệt để ô nhiễm, giúp các hồ nước trong xanh trở lại, việc tách dầu mỡ cũng như các tạp chất khác khỏi nước hồ mới là phần "gốc".
Theo ông Phan Hoàng Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội, qua tiến hành lấy mẫu nước phân tích mức độ ô nhiễm, công ty xác định hiện có khoảng hơn 100 hồ nước ô nhiễm cần phải xử lý.
Trước đó, trong quý I-2017, tổng số hồ ngoại thành đã được xử lý là 36 hồ, thuộc địa bàn các huyện: Chương Mỹ, Gia Lâm, Thanh Oai, Thạch Thất, Ứng Hòa, Đông Anh, Mê Linh, Ba Vì, thị xã Sơn Tây. Công ty đang tiếp tục xử lý 22 hồ, tập trung vào khu vực ngoại thành, những hồ đã được kè và hồ nằm trong khu vực dân cư. Việc nghiên cứu, sử dụng thiết bị tách dầu mỡ bằng nhựa PARCO-P và thiết bị tách dầu mỡ bằng thép EVVIA TNS của Hungary sẽ là một trong những phương án hiệu quả nhằm giúp công tác xử lý hồ ô nhiễm trên địa bàn TP Hà Nội diễn ra thuận lợi, hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.