(HNM) - Tình trạng tranh chấp về quản lý, sử dụng Quỹ Bảo trì chung cư đang diễn ra gay gắt tại nhiều chung cư trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Cơ quan chức năng thành phố Hồ Chí Minh sẽ đưa ra nhiều giải pháp quản lý và sử dụng hiệu quả Quỹ Bảo trì chung cư. |
Gần đây, tình trạng cư dân “tố” chủ đầu tư chây ỳ bàn giao Quỹ Bảo trì diễn ra liên tục. Cụ thể, tại chung cư Khang Gia Tân Hương (quận Tân Phú), từ năm 2014 đến nay, cư dân liên tục cầu cứu, yêu cầu chủ đầu tư bàn giao Quỹ Bảo trì nhưng đến nay hàng chục tỷ đồng vẫn bị chủ đầu tư là Công ty cổ phần Ðầu tư và Phát triển địa ốc Khang Gia chiếm dụng. Tương tự, dự án cao ốc căn hộ và văn phòng Thanh Đa View (quận Bình Thạnh), cư dân tố cáo Công ty CP Thanh Yến là chủ đầu tư dự án đóng thiếu các khoản phí quản lý bảo trì. Hay tại chung cư Tân Tạo 1 (quận Bình Tân) do Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Thái Sơn làm chủ đầu tư bị cư dân tố chủ đầu tư không lập tài khoản để sử dụng kinh phí bảo trì 2%, không bàn giao kinh phí bảo trì 2% theo quy định...
Thống kê của Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh cho thấy hiện các tranh chấp về quản lý, sử dụng Quỹ Bảo trì chung cư đang diễn ra gay gắt tại nhiều chung cư trên địa bàn thành phố. Cụ thể, trong 44 nhà chung cư có tranh chấp do Sở Xây dựng đang thụ lý, giải quyết, có đến 34 vụ việc liên quan đến kinh phí bảo trì chung cư (chiếm 77%).
Từ thực trạng trên, Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) đã có kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng sửa quy định về việc thu kinh phí bảo trì nhà chung cư theo hướng khách hàng sẽ không đóng một lần 2% giá trị căn hộ cho chủ đầu tư khi nhận nhà vì không cần thiết, không hợp lý và tạo thêm gánh nặng với người mua nhà.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, để sử dụng Quỹ Bảo trì hiệu quả, giảm gánh nặng cho cư dân, cơ quan chức năng nên quy định theo hướng chủ sở hữu nhà chung cư đóng kinh phí bảo trì 2% trong thời hạn 60 tháng (tức 5 năm, bằng thời hạn bảo hành nhà chung cư của chủ đầu tư hoặc đơn vị thi công). Mức đóng chia đều trong 60 tháng sẽ giảm nhẹ gánh nặng cho chủ sở hữu nhà chung cư và hợp lý hơn. Ban Quản trị nhà chung cư có trách nhiệm thu kinh phí bảo trì. Quỹ Bảo trì chung cư chỉ được sử dụng để bảo trì các phần sở hữu chung của nhà chung cư, bao gồm: Hệ thống kết cấu chịu lực (khung, cột, sàn, mái, sân thượng, tường chịu lực), tường bao ngôi nhà, hành lang, cầu thang bộ, đường thoát hiểm.
Về góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị bỏ cơ chế giao chủ đầu tư thu kinh phí 2% phần sở hữu chung nhà chung cư như hiện nay. Theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố, tranh chấp tại các chung cư nếu không được giải quyết có thể sẽ dẫn đến phát sinh những bất ổn xã hội. Do đó, với kiến nghị trên thì việc hình thành Quỹ Bảo trì phần sở hữu chung của từng chung cư sẽ do Ban Quản trị chung cư thu của các chủ sở hữu nhà chung cư trong quá trình quản lý, sử dụng theo tỷ lệ phần trăm do hội nghị nhà chung cư quyết định.
Theo kế hoạch của Sở Xây dựng thành phố trong năm 2019, Sở tiếp tục phối hợp với UBND các quận, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư; kiểm tra, thanh tra và kiên quyết xử lý vi phạm. Sở Xây dựng sẽ chịu trách nhiệm thực hiện xử lý việc chiếm dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư, giải quyết tranh chấp về kinh phí quản lý vận hành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.