(HNM) - Mới đây, khi thảo luận về các chương trình công tác toàn khóa, nhiệm kỳ 2015-2020, của Thành ủy Hà Nội, lãnh đạo thành phố khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương đề nghị các quận hỗ trợ các huyện ngoại thành khó khăn.
1. Cách đây hai năm, thực hiện chủ trương của Thành ủy Hà Nội, 12 quận gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm đã hỗ trợ các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai xây dựng 46 nhà văn hóa thôn, với tổng kinh phí trên 92 tỷ đồng. Trong đó, huyện Ba Vì được hỗ trợ xây dựng nhiều nhất với 41 nhà văn hóa, tập trung ở 7 xã miền núi. Trên địa bàn 7 xã miền núi có 75 thôn bản và cụm dân cư, trong đó có 68 thôn bản có nhà văn hóa, nhưng hầu hết xuống cấp hoặc nhỏ hẹp, diện tích trung bình 40-60m2. Tham gia hỗ trợ Ba Vì xây dựng 41 nhà văn hóa (hơn 82 tỷ đồng) có 10 quận gồm Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên, Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm.
Nhà Văn hóa Thôn Hội, xã Yên Trung (huyện Thạch Thất) được đầu tư xây dựng nhờ nguồn kinh phí của các quận trên địa bàn thành phố. |
Trước đó, huyện Ba Vì đã lập dự án đầu tư xây dựng 70 nhà văn hóa thôn, bản ở 7 xã miền núi, với tổng mức đầu tư hơn 140,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, huyện không đủ nguồn lực để thực hiện. Chính vì vậy, việc các quận hỗ trợ huyện xây dựng được 41/70 nhà văn hóa ở các xã miền núi là hoạt động đầy ý nghĩa. Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Ba Vì Hà Xuân Hưng nói: "Đến nay, các nhà văn hóa được các quận hỗ trợ cơ bản đã hoàn thành. Chúng tôi tiếp nhận chủ trương này với niềm vui, sự phấn khởi. Đây là giải pháp rất hay. Ý thức phải thật trân trọng món quà của các quận, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân sử dụng và quản lý các công trình bền vững, hiệu quả". Bí thư Huyện ủy Ba Vì mong muốn, Thành ủy đưa chủ trương "các quận hỗ trợ các huyện" vào Chương trình 02 về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020".
2. Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân đòi hỏi nguồn lực ngày càng lớn. Dự kiến, giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn thực hiện Chương trình 02 có thể lên đến 73.000 tỷ đồng. Trong khi đó, ngân sách thành phố và các huyện mới đáp ứng chưa đến 50%, nguồn lực từ đất đai cũng khó huy động. Việc đa dạng các nguồn lực giúp các huyện thực hiện Chương trình 02 là rất cần thiết. Trong đó, chủ trương đề nghị các quận hỗ trợ các huyện là một giải pháp sáng tạo, có nhiều ý nghĩa.
Năm 2015, tổng thu ngân sách của quận Đống Đa đạt hơn 5.600 tỷ đồng, gấp hơn 24 lần tổng thu ngân sách huyện Ba Vì (hơn 220 tỷ đồng) và gấp gần 38 lần tổng thu ngân sách của huyện Ứng Hòa (gần 150 tỷ đồng). Những quận mới thành lập có nguồn thu thấp hơn như Nam Từ Liêm cũng đạt trên dưới 2.500 tỷ đồng/năm, gấp 13-14 lần tổng thu ngân sách của huyện Mỹ Đức. Nguồn lực lớn cho phép các quận hoàn toàn có khả năng hỗ trợ các huyện ngoại thành. Theo Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy Đống Đa Lê Tiến Nhật, thực hiện chủ trương của Thành ủy, quận đã hỗ trợ huyện Ba Vì 20 tỷ đồng để xây dựng nhà văn hóa. Hiện nay, quận cũng đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội hỗ trợ một xã của huyện Ứng Hòa xây dựng nông thôn mới. Đồng chí Lê Tiến Nhật cho biết: "Quận đã hỗ trợ xã Đông Lỗ (Ứng Hòa) một máy khám răng. Tới đây, chúng tôi tiếp tục cùng với Bộ Tư lệnh Thủ đô khảo sát cụ thể xem xã còn gặp khó khăn ở nội dung gì theo 19 tiêu chí nông thôn mới để tiếp tục hỗ trợ".
Chủ trương đề nghị các quận hỗ trợ các huyện thực hiện các chương trình công tác của Thành ủy, nhất là Chương trình 02 là hết sức đúng đắn, cần thiết và đầy ý nghĩa. Đây là hoạt động đậm tính nhân văn, góp phần thắt chặt tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, qua đó xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững mạnh. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy khẳng định: "Thành ủy xác định đây là chủ trương quan trọng và cần thiết, tới đây sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho các quận tập trung hỗ trợ các huyện khó khăn".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.