(HNM) - Quá trình đô thị hóa nhanh đã, đang đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam trong quá trình phát triển; tạo gánh nặng lên hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dẫn đến nhiều hệ lụy khác. Làm thế nào để tìm giải pháp, hướng đi cho phát triển bền vững đô thị là mục tiêu chính của hội thảo
Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức do bùng nổ đô thị và tốc độ đô thị hóa chóng mặt trên toàn quốc. Theo Quyền Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) Lưu Đức Cường, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam nằm ở mức cao trong khu vực. Hiện cả nước có hơn 800 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt 36-37%, dự báo đạt 50% vào năm 2025. Hiện tượng di cư từ nông thôn ra đô thị diễn ra phổ biến, từ đó tạo sức ép lớn lên hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và dẫn đến nhiều hệ lụy như ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường... Đô thị Việt Nam phải đương đầu với những vấn đề hết sức cơ bản như chất thải, nước thải, giao thông công cộng. Trong bối cảnh như vậy, bước "đi tắt, đón đầu", phát triển thành phố thông minh, bỏ qua bước trung gian sẽ là "chìa khóa" giúp Việt Nam có động lực giải quyết vấn đề cơ bản của những thách thức này.
Đồng quan điểm, ông Phạm Trọng Thực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cũng nêu rõ, việc xây dựng các thành phố thông minh là lựa chọn tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Việc sử dụng các công nghệ đô thị thông minh là rất cần thiết để hỗ trợ phát triển kinh tế đi đôi với kiểm soát các tác động từ quá trình đô thị hóa đến môi trường, cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội, đồng thời để nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân đô thị. Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến quá trình đô thị hóa; hiểu rõ vai trò và tầm quan trọng của các đô thị trong hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam hội nhập với kinh tế thế giới, cũng như trong thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực.
Tại hội thảo, các ý kiến được trao đổi, thảo luận sôi nổi nhằm tìm ra những hướng đi, giải pháp hỗ trợ phù hợp cho Việt Nam. Ông Joerg Rueger, Bí thư Thứ nhất Đại sứ quán Đức tại Hà Nội nêu rõ, kỹ thuật số sẽ làm thay đổi cơ bản cách thức mà chúng ta đang sống và làm việc tại các đô thị. Thành phố thông minh không phải đích đến cuối cùng, thực chất là nó được xây dựng nhằm phục vụ mục tiêu phát triển bền vững về mọi lĩnh vực, bao gồm cả kinh tế, xã hội và môi trường. Còn Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Siemens Việt Nam, ông Phạm Thái Lai khẳng định, Siemens sẽ làm việc trực tiếp với các thành phố ở Việt Nam để bảo đảm rằng công nghệ số sẽ được tích hợp vào từ giai đoạn quy hoạch. Do vậy, chúng ta có thể phát huy lợi ích tức thì thông qua việc giảm thiểu tắc nghẽn giao thông, cải thiện chất lượng không khí và tăng cường cung cấp điện ổn định. "Chúng tôi rất tự hào và phấn khởi khi có thể giúp các thành phố của Việt Nam trở nên thông minh hơn, từ đó trở thành những nơi đáng sống hơn và bền vững hơn" - ông Lai nhấn mạnh thêm...
Hội thảo là cơ hội quý giá để các bên cùng trao đổi, thảo luận và tìm ra những hướng đi, những giải pháp hỗ trợ phù hợp cho Việt Nam trên con đường xây dựng các đô thị thông minh và bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.