Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp mới cho hệ thống chợ văn minh

Thanh Hiền| 08/05/2018 07:08

(HNM) - Hạ tầng xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, không bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, làm mất mỹ quan đô thị… là thực trạng hiện nay của nhiều khu chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội.

Trong bối cảnh đó, ứng dụng công nghệ lắp ghép và công nghệ cao trong quản lý, vận hành chợ, kết hợp kinh doanh online… là giải pháp bảo đảm tối đa lợi ích của tiểu thương và môi trường cảnh quan. Đây là giải pháp mới nhằm xây dựng, cải tạo hệ thống chợ trên địa bàn theo hướng sạch, văn minh.

Hình ảnh nhếch nhác, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối phía Nam (chợ Đền Lừ, quận Hoàng Mai). Ảnh: Hà Bình


Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Dạo một vòng qua các khu chợ tại Hà Nội như chợ đầu mối phía Nam (chợ Đền Lừ, quận Hoàng Mai), chợ Xanh, chợ Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy),… không khó để thấy những hình ảnh nhếch nhác, ô nhiễm môi trường, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm... Là một trong những đầu mối cung cấp nông - lâm - thủy sản lớn cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận, chợ đầu mối phía Nam hiện có khoảng 700 hộ hoạt động kinh doanh, trong đó có 200 hộ kinh doanh cố định. Bình quân mỗi ngày, chợ cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn rau, củ, quả và khoảng 30 tấn thủy hải sản, gia súc, gia cầm các loại. Với lượng hàng đa dạng như vậy, nhưng điều kiện vệ sinh tại chợ rất kém, không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư, quản lý kinh doanh khai thác chợ, công tác chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ đã được UBND TP Hà Nội chỉ đạo quyết liệt cùng sự vào cuộc đồng bộ của các sở, ngành, UBND các cấp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã phát sinh nhiều khó khăn như chợ vùng nông thôn xây dựng lán tạm, họp theo phiên, nhu cầu phục vụ thấp, số hộ kinh doanh ít…, nên rất khó kêu gọi doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư để chuyển đổi mô hình quản lý.

Đối với các chợ đã chuyển đổi, do hiệu quả đầu tư không cao nên công tác cải tạo, duy tu, bảo dưỡng không được thực hiện thường xuyên, khiến hạ tầng chợ xuống cấp... Lý do có nhiều, nhưng chủ yếu là các doanh nghiệp làm chủ đầu tư thường quan tâm khai thác tối đa lợi thế thị trường để đạt lợi ích cao nhất. Nhiều chủ đầu tư bố trí chợ truyền thống xuống tầng hầm hoặc áp đặt mức thu phí với các tiểu thương... khiến điều kiện kinh doanh trong chợ ngày càng mất đi sự hấp dẫn, thân thiện. Vì vậy, việc tìm giải pháp khả thi nhằm đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống chợ trên địa bàn thành phố đạt mục tiêu văn minh, hiện đại, là điểm nhấn về kiến trúc, bảo đảm các điều kiện an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy nổ... là yêu cầu cấp bách.

Giải pháp khả thi

Với mục tiêu cải tạo chợ cũ trên địa bàn Hà Nội theo tiêu chí chợ là điểm giao thương kinh tế bảo đảm văn minh thương mại, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; đồng thời, là nơi sinh hoạt cộng đồng mang đậm văn hóa địa phương… một dự án khả thi đang được thành phố Hà Nội chấp thuận triển khai.

Đó là dự án đầu tư hệ thống chợ và thí điểm đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây mới một số chợ trên địa bàn thành phố theo đề xuất của liên danh nhà đầu tư gồm 3 công ty cổ phần: Tập đoàn AMACCAO; Phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam; Đầu tư và phát triển hạ tầng Hoàng Thành. Theo đại diện liên danh nhà đầu tư, với công nghệ xây dựng chợ mới mà nhiều nước tiên tiến đang áp dụng, chỉ trong thời gian từ 50 đến 90 ngày, các hạng mục từ hệ thống phòng cháy, chữa cháy, lắp điện, cấp thoát nước, đường giao thông và cây xanh… được hoàn thiện đồng bộ, đúng tiến độ theo cam kết.

Nhà đầu tư sẽ tập trung đào tạo, nâng cao ý thức, chuyên môn cho cán bộ quản lý chợ và các tiểu thương trong việc kinh doanh các mặt hàng thực phẩm; ứng dụng công nghệ cao trong quản lý vận hành hoạt động, có các điểm giao dịch cho loại hình kinh doanh online như trưng bày, giao dịch, phân loại, đóng gói và kho. Đồng thời, kết hợp với các cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra định kỳ thường xuyên các mặt hàng thực phẩm kinh doanh trong chợ. Đáng chú ý, giải pháp này còn bảo đảm tối đa lợi ích của các tiểu thương như không phải thay đổi vị trí kinh doanh tại tầng 1; mức giá thu đúng quy định của Nhà nước…

Đánh giá cao tính khả thi của dự án, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng nhấn mạnh, dựa trên kết quả khảo sát thực tế, phân tích các đề xuất, giải pháp, lấy ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước; đồng thời nghiên cứu mô hình, phương thức tổ chức hoạt động của các chợ truyền thống tại Bắc Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á…, đây là mô hình phù hợp với thực tiễn hiện nay. Sở Công Thương và liên ngành thống nhất đề nghị liên danh đề xuất các chợ xây dựng mới, đề xuất thí điểm lập thành 1 dự án, bổ sung các chợ có nhu cầu cấp bách đầu tư tại huyện Sóc Sơn gồm: Các chợ Nam Sơn (xã Nam Sơn), Tân Hưng (xã Tân Hưng), Việt Long (xã Việt Long), Đức Hòa (xã Đức Hòa), Kim Lũ (xã Kim Lũ). Đây là các chợ đã có chỉ đạo của UBND thành phố phục vụ những xã nghèo của huyện Sóc Sơn làm cơ sở để tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp mới cho hệ thống chợ văn minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.