(HNM) - Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TƯ ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020”, đến nay trên địa bàn TP Hà Nội, các cấp, các ngành đã đạt được nhiều kết quả trong công tác này.
Chính sách đã đi vào cuộc sống
Xác định bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT) là hai chính sách xã hội quan trọng, trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, ngày 17-4-2013, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chương trình hành động số 19-Ctr/TU và sau đó là Kế hoạch số 82/KH-UBND để thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TƯ của Bộ Chính trị.
Tham gia bảo hiểm y tế giúp cho người dân được hỗ trợ tối đa khi khám, chữa bệnh. Ảnh: Anh Tuấn |
Thực tế 5 năm triển khai Nghị quyết số 21-NQ/TƯ, công tác thu BHXH, BHYT gặp nhiều khó khăn do tình hình kinh tế chung của Thủ đô và đất nước có những biến động. Việc sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn gặp khó khăn phải giải thể, phá sản, nợ BHXH; việc làm của người lao động không ổn định, ảnh hưởng tới công tác phát triển, mở rộng đối tượng tham gia, việc giải quyết các chế độ, chính sách về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động. Mặc dù vậy, với sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong giai đoạn 2013-2017, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô. Đặc biệt, Nghị quyết số 21-NQ/TƯ đã đi vào cuộc sống, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hưởng ứng, đồng thuận. Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp trong toàn thành phố về BHXH, BHYT đã được nâng lên. Quỹ BHYT bước đầu đã cân đối được thu, chi. Công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động nghiệp vụ của ngành được đẩy mạnh...
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TƯ và Chương trình hành động số 19-Ctr/TU vẫn còn một số hạn chế, tồn tại. Thành phố đã chỉ đạo BHXH Hà Nội phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương triển khai nhiều biện pháp thu nợ, nhưng tổng số tiền nợ BHXH trong 7 tháng đầu năm 2017 vẫn còn 3.361,7 tỷ đồng (chiếm 10,1%) kế hoạch thu BHXH Việt Nam giao. Số tiền nợ BHXH tuy đã giảm 19,2% so với cùng kỳ năm 2016 và tỷ lệ nợ có xu hướng giảm qua các năm, nhưng Hà Nội vẫn là địa phương có số tiền nợ BHXH cao nhất cả nước với gần 24 nghìn doanh nghiệp nợ. Đặc biệt, có 4.569 doanh nghiệp đã ngừng giao dịch, đơn phương chấm dứt giao dịch, bỏ trốn, mất khả năng thanh toán, phá sản, giải thể… Đến nay, chưa có phương án xử lý nợ đối với những doanh nghiệp này và giải quyết chế độ của người lao động. Công tác khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH ra tòa án hiện còn gặp nhiều vướng mắc. Tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT chưa đạt 100%; chi phí khám, chữa bệnh BHYT có xu hướng tăng, gây bội chi Quỹ BHYT...
Huy động nhiều nguồn tài chính hỗ trợ người khó khăn
Với những bài học kinh nghiệm rút ra qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TƯ và sau khi xác định những nguyên nhân hạn chế, Hà Nội đã đề ra phương hướng, giải pháp tới năm 2020, tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 21-NQ/TƯ và Chương trình hành động số 19-Ctr/TU, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong nhận thức, trách nhiệm tham gia BHXH, BHYT.
Các sở, ngành, UBND các cấp, căn cứ phạm vi chức năng, quyền hạn của mình tiếp tục rà soát, bổ sung, sửa đổi những nội dung không còn phù hợp trong các văn bản hiện hành; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế huy động nguồn tài chính từ ngân sách thành phố, nguồn viện trợ, quỹ từ thiện… để hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, người thuộc hộ nghèo, nông dân, học sinh, sinh viên, vùng núi, vùng xa trung tâm tham gia các loại hình BHYT phù hợp; khuyến khích người dân tham gia BHYT một cách tự nguyện, thường xuyên, dài hạn, hạn chế tình trạng người bị ốm đau mới mua BHYT.
Bên cạnh đó, BHXH TP Hà Nội tiếp tục phối hợp với các sở, ngành xây dựng kế hoạch thực hiện trong từng giai đoạn; trong đó, xác định rõ nội dung, giải pháp phù hợp với thực tế, định kỳ kiểm điểm kết quả thực hiện, sơ kết rút kinh nghiệm và đánh giá trách nhiệm phối hợp của các bên.
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng chỉ đạo Sở Y tế chủ trì tổ chức tốt việc đấu thầu thuốc, thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng Quỹ BHYT của các cơ sở khám, chữa bệnh, xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ sở trục lợi Quỹ BHYT, phấn đấu tiết kiệm giảm chi phí bình quân 10% so với năm trước. Các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã được giao phối hợp với BHXH thành phố rà soát các doanh nghiệp đang hoạt động chưa tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng BHXH xuống dưới 4% và tăng tỷ lệ doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT từ 70% trở lên.
Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi Luật BHXH năm 2014 hoặc ban hành văn bản để tháo gỡ vướng mắc trong việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH ra tòa án; sửa đổi Luật BHYT để không có khoảng trống BHYT trong thời gian học của học sinh, sinh viên. Ngoài ra, cũng kiến nghị Bộ Y tế sửa đổi một số giá bất hợp lý, nhất là giá giường bệnh trong quy định hiện hành; quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc; đồng thời, đề nghị BHXH Việt Nam kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định về quản lý nợ BHXH...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.