Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp hữu hiệu giảm rác thải nhựa

Gia Bảo| 13/10/2021 07:07

(HNM) - Sau một thời gian triển khai thí điểm phân loại rác tại nguồn và chú trọng thu gom, tái chế rác thải nhựa, thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đưa ra các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm loại rác thải nhựa. Mục tiêu đến hết năm 2021, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi... tại thành phố Hồ Chí Minh thay thế 100% túi ni lông bằng chất liệu tự hủy, thân thiện môi trường.

Siêu thị của Saigon Co.op (thành phố Hồ Chí Minh) sử dụng túi ni lông tự phân hủy phục vụ khách hàng mua thực phẩm.

Là người đã thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông khó phân hủy hằng ngày, chị Thạch Thị Mây, ở chung cư Petroland (phường Bình Trưng Đông, thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Gần 2 năm nay, gia đình tôi sử dụng các bao bì thân thiện với môi trường như: Túi vải, túi ni lông tự phân hủy, túi giấy... và cùng nhiều người khác vận động cư dân hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, góp phần bảo vệ môi trường. Đáng mừng là nhiều người cũng ủng hộ việc này. Đến nay, nhiều gia đình ở chung cư nơi tôi sinh sống đã hạn chế đáng kể việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và sử dụng các bao bì thân thiện môi trường”.

Về phía doanh nghiệp, những năm gần đây, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cũng thay thế 100% túi ni lông khó phân hủy sinh học bằng túi ni lông thân thiện với môi trường. Cụ thể, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi của Saigon Co.op thay thế màng nhựa bọc thực phẩm bằng lá chuối, dây lát, sử dụng túi giấy để đựng thực phẩm.

Từ tháng 8-2019 đến nay, các công sở, hội nghị, hội thảo, cuộc họp… trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh cũng thực hiện giảm sử dụng chất thải nhựa; không sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy; các sản phẩm nhựa dùng một lần. Đơn cử, tại huyện Nhà Bè, đến nay, các hội nghị, cuộc họp đã sử dụng bình nước và ly thủy tinh… để uống nước. Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Võ Phan Lê Nguyễn cho biết: “Chính quyền huyện Nhà Bè khuyến khích cán bộ, công chức, nhân viên mang theo bình nước thủy tinh, inox cá nhân để loại bỏ rác thải nhựa độc hại ra môi trường. Đồng thời, thực hiện phân loại và bố trí các thùng rác phân loại rác thải tại nguồn ở nơi làm việc; ưu tiên sử dụng các loại bao bì tự hủy, bao bì thân thiện môi trường”.

PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, việc quản lý chất thải nhựa phải được thực hiện quyết liệt, thường xuyên, đồng bộ và sự chung tay của cả hệ thống chính trị cũng như toàn xã hội. Trong đó, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh cần tổ chức triển khai hiệu quả và nhân rộng mô hình phân loại rác thải tại nguồn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Cũng với quan điểm này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng cho biết, thành phố phấn đấu đến hết năm 2021, 100% hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng các loại bao bì thân thiện môi trường phục vụ cho mục đích sinh hoạt để thay thế túi ni lông khó phân hủy; tiểu thương tại các chợ dân sinh giảm 50% sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong việc đóng gói sản phẩm.

Để thực hiện hiệu quả việc giảm thiểu rác thải nhựa, UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn. Theo đó, thành phố đề nghị chính quyền các địa phương, sở, ban, ngành, đơn vị liên quan chung tay xây dựng kế hoạch hành động thực hiện. Trong đó, chú trọng công tác kiểm soát chất thải tại nguồn. Hạn chế tối đa và tiến tới không sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong hoạt động hằng ngày của các cơ quan nhà nước, nhà máy, trường học, trong sinh hoạt của người dân.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình, thành phố sẽ tiếp tục vận động nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, cơ sở sản xuất kinh doanh…, giảm thiểu chất thải nhựa, chuyển dần sang sử dụng sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường. Đồng thời, khuyến khích việc tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa thông qua các hoạt động, triển khai sử dụng mô hình 3T (Tiết giảm - Tái sử dụng - Tái chế); tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức có chức năng, đủ điều kiện thực hiện dịch vụ thu gom, tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa trên địa bàn thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp hữu hiệu giảm rác thải nhựa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.