Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp hướng tới nhiều mục tiêu

Thế Văn| 25/10/2022 06:13

(HNM) - Việc Chính phủ đề xuất phương án tăng mức lương cơ sở cho công chức, viên chức lên 1,8 triệu đồng/tháng tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận. Tăng mức lương cơ sở, cải cách tiền lương đã được đặt ra từ nhiều năm trước và thời điểm này là việc cần làm. Vấn đề là cải cách thế nào để người làm công ăn lương không chỉ có cuộc sống ổn định, có động lực cống hiến mà còn giải được “bài toán” thu hút nhân tài và đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng.

Có một thực tế là, dù đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao thu nhập nhưng mức lương của đại đa số công chức, viên chức vẫn thấp hơn mức sống trung bình.

Do vậy, nhiều người đã phải tìm kiếm các cách thức khác nhau để gia tăng thu nhập. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “chân trong, chân ngoài”, các hành vi tiêu cực, lợi dụng cơ chế, chính sách, lợi dụng chức vụ, vị trí cho lợi ích cá nhân… sinh ra tha hóa, biến chất, tham ô, tham nhũng.

Mặt khác, thu nhập của người làm công ăn lương cũng như các chế độ chính sách tiền lương hiện hành chưa bảo đảm được sự công bằng, chưa gắn với hiệu quả lao động. Vẫn có tình trạng “cào bằng”, thâm niên, ngạch bậc mà không theo mức độ cống hiến, dẫn đến không ít người “sáng cắp ô đi, tối cắp về” nhận lương cao hơn những người mang lại hiệu quả thực sự trong công việc. Điều này không chỉ tạo ra sự thiếu lành mạnh trong môi trường phát triển, không thu hút, giữ chân được nhân tài… mà còn dẫn đến nhiều bất cập.

Nhận định của một số cơ quan nghiên cứu chính sách là, đại đa số công chức, viên chức vẫn sống nhờ vào nguồn tiền thu nhập chính thức và mong muốn tiền lương đủ ổn định cuộc sống để có thể tập trung thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao… Do vậy, việc tăng mức lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng là hết sức cần thiết để hướng tới mục tiêu công chức, viên chức có thể sống, chăm lo cho gia đình bằng lương, không phải “chân trong, chân ngoài”, không phải lợi dụng vị trí, cơ chế, chính sách để gia tăng thu nhập.

Hiện lực lượng công chức, viên chức đang phải đối mặt với áp lực công việc, nhất là công chức, viên chức ngành Y tế. Do vậy, việc tăng lương kịp thời sẽ góp phần bù đắp những áp lực, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống của đội ngũ công chức, viên chức.

Việc tăng mức lương cơ sở là cần thiết. Vì vậy, bên cạnh những giải pháp mang tính lâu dài, cần tạo đột phá, có chính sách đãi ngộ xứng đáng cho đội ngũ công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước, đặc biệt là những cơ quan tham mưu, thiết kế, phát triển, thực thi chính sách… Qua đó, tạo động lực mới, xây dựng đội ngũ “công bộc” giỏi chuyên môn, giàu tâm huyết, ý thức trách nhiệm. Nhiều quốc gia đã thành công trong việc trả lương cao cho lao động ở khu vực công kèm theo những cơ chế quản lý chặt chẽ để công chức, viên chức không muốn, không cần và không thể tham nhũng.

Như vậy, cùng với việc tính toán nguồn lực ngân sách cho cải cách tiền lương, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, sửa đổi các quy định về tiền lương cho công chức, viên chức một cách hợp lý; vừa phù hợp với thị trường lao động, vừa rút ngắn khoảng cách thu nhập giữa khu vực công và khu vực tư. Điều này không chỉ tạo động lực mới cho những người làm công ăn lương, thu hút nhân tài trong các lĩnh vực công mà còn góp phần mang đến sự cạnh tranh bình đẳng trên thị trường lao động chất lượng cao hiện nay.

Tăng mức lương cơ sở, cải cách chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ cho công chức, viên chức là những giải pháp hướng tới nhiều mục tiêu, từng bước xây dựng đội ngũ “công bộc” liêm chính, giỏi chuyên môn, tâm huyết, trách nhiệm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp hướng tới nhiều mục tiêu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.