Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp giảm tác động của tăng giá

Hương Ly| 16/04/2011 07:43

(HNM) - Đến nay, giá nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh (SXKD) như điện, xăng dầu… đã được điều chỉnh nhằm thực hiện lộ trình giá thị trường. Phương án tăng giá than thêm 20-40% cũng vừa được Bộ Tài chính chấp thuận.


Giá than tăng đã ảnh hưởng đến sản xuất của nhiều mặt hàng khác. Ảnh: TTXVN

Theo Bộ Tài chính, giá than tăng sẽ khiến chi phí sản xuất giấy, phân bón, xi măng… tăng 3,5-18% tùy từng mặt hàng. Trao đổi với PV Báo Hànộimới, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, nhiều biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (DN) sẽ được triển khai nhằm giảm tác động của việc tăng giá đến hoạt động SXKD của DN và đời sống của người dân.

- Từ ngày 1-4, giá than tăng thêm 20-40% sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất nhiều mặt hàng thiết yếu như phân bón, giấy, xi măng… Ông đánh giá thế nào về việc tăng giá than?

- Phương án tăng giá than được Bộ Tài chính chấp thuận sau khi đã giữ ổn định hơn một năm qua. Việc tăng giá là bất khả kháng khi các yếu tố hình thành giá đã thay đổi, làm cho giá than bán cho các hộ sản xuất phân bón, giấy, xi măng thấp hơn nhiều so với giá than ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy vậy, đợt điều chỉnh vừa qua của ngành than vẫn chưa thực hiện được nguyên tắc mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra là điều chỉnh giá than bằng 90% giá xuất khẩu. Nếu thực hiện ngay theo nguyên tắc này, giá than phải tăng 39,5-67% so với giá hiện hành.

Việc điều chỉnh tăng giá than ở mức khoảng 20-40% sẽ làm tăng giá thành sản xuất xi măng khoảng 5,7-6,4%, giấy khoảng 3,5%; giá sản xuất phân lân tăng 6-6,4%; phân đạm tăng 15-18% tùy thời điểm. Theo tôi, giá thành tăng nhưng giá bán có tăng tương ứng hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, như giá thị trường, sức mua của thị trường. Đặc biệt, việc giá xi măng, phân bón, giấy… có tăng hay không còn phụ thuộc vào khả năng cạnh tranh và hiệu quả quản lý của DN khi họ phấn đấu tiết giảm chi phí sản xuất xuống mức hợp lý.

- Hai tháng vừa qua, giá bán lẻ xăng dầu tăng thêm 4.300 đồng/lít đã tạo "dư chấn" mạnh đến hoạt động SXKD của DN và đời sống của người dân. Nếu DN đầu mối tiếp tục đề xuất tăng giá xăng, cơ quan quản lý có chấp thuận không?

- Xăng dầu là mặt hàng phải điều chỉnh giá theo thị trường, khi giá thế giới tăng sẽ phải điều chỉnh tăng, giá thế giới giảm sẽ điều chỉnh giảm. Hai lần điều chỉnh giá vừa qua mới chỉ bằng khoảng 40-50% so với mức chi phí tăng cần phải điều chỉnh. Nhà nước đã phải giảm thuế nhập khẩu về mức 0% và không tính lãi của DN tại thời điểm điều chỉnh giá. Vì vậy, phương án điều hành giá xăng dầu thời gian tới sẽ theo nguyên tắc, nếu giá thế giới tăng làm cho giá cơ sở tăng cao hơn giá hiện hành bình quân 30 ngày sẽ phải điều chỉnh giá tăng để bảo đảm cho DN kinh doanh bình thường; không thể cứ mua cao, bán thấp làm suy kiệt nguồn tài chính của DN và đẩy tình trạng buôn lậu xăng dầu thêm phức tạp. Nếu giá cơ sở giảm thấp hơn giá hiện hành sẽ phải khôi phục lại thuế nhập khẩu ở mức độ hợp lý, sau đó sẽ tính đến phương án giảm giá bán.

- Trước thực tế trên, từ nay đến cuối năm Bộ Tài chính có giải pháp nào nhằm giảm tác động của việc tăng giá những mặt hàng thiết yếu làm ảnh hưởng đến hoạt động SXKD của DN và đời sống của người dân?

- Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện cơ chế giá thị trường gắn với kiểm soát chặt giá thành, nhằm giảm tác động của việc thực hiện cơ chế giá thị trường đối với đời sống kinh tế-xã hội. Bên cạnh việc thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội thông qua chính sách hỗ trợ người nghèo, người có thu nhập thấp, Bộ sẽ gia hạn thời gian nộp thuế thu nhập DN với DN vừa và nhỏ. Nhiều biện pháp giúp DN giảm chi phí sản xuất và giá thành, như tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính; giảm thuế quan theo cam kết; rà soát bãi bỏ các khoản thu phí, lệ phí bất hợp lý, trái pháp luật… sẽ được Bộ Tài chính triển khai. Từ nay đến cuối năm, Bộ sẽ tăng cường thanh tra, giám sát thực hiện quy định về đăng ký giá, kê khai giá và việc chấp hành theo quy định của pháp luật về quản lý giá. Trong tháng 4, Bộ Tài chính đã phối hợp với các ngành liên quan, địa phương tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về giá, thuế, phí tại 24 DN SXKD hàng hóa, dịch vụ thuộc diện bình ổn giá, như thép xây dựng, xi măng, khí hóa lỏng, sữa, đường, phân bón, thức ăn chăn nuôi... Bộ cũng thanh tra một số DN SXKD thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, giấy in, giấy in báo, giấy viết… Những trường hợp đăng ký giá, kê khai giá nhưng tính giá không đúng so với quy chế tính giá hoặc tăng giá bất hợp lý so với tác động của yếu tố đầu vào và mặt bằng giá thị trường sẽ bị xử lý nghiêm.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp giảm tác động của tăng giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.