Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp cứu nguy Quỹ Bảo hiểm xã hội

Nữ Quỳnh| 10/10/2013 05:38

(HNM) - Nợ đọng bảo hiểm kéo dài ở khối doanh nghiệp là nguyên nhân dẫn đến tình trạng Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) đang rơi vào tình trạng mất cân đối nghiêm trọng giữa thu và chi. Lâu nay, chúng ta đã nói rất nhiều về nguy cơ vỡ Quỹ BHXH, nhưng vấn đề tìm giải pháp xử lý thì vẫn bế tắc, cứ như chạy vào ngõ cụt dù biết mối nguy hiểm đang bám sát sau lưng.

Tuần trước, dư luận đã khá sốc khi nghe thông tin Bộ Tài chính muốn giảm 100.000 đồng trong phần tiền lương tối thiểu chung, như một biện pháp "cân đối thu - chi" cho quỹ lương của Nhà nước.

Chưa bàn về đề xuất này có hợp lý hay không, nhưng như vậy xem ra cái khó khăn đã cập kề miệng túi của người lao động. Thế mà, tuần này những con số về tình trạng nợ đọng BHXH dù chỉ là nghe lại nhưng nhiều người cũng không tránh khỏi giật mình. Báo cáo thống kê đến tháng 6-2013, các doanh nghiệp còn nợ đọng gần 6.000 tỷ đồng, tính lũy kế đến hết tháng 2-2013, các doanh nghiệp, đơn vị trên cả nước nợ tiền đóng BHXH, BHYT lên tới gần 10.400 tỷ đồng. Trong đó, nợ BHXH chiếm gần 7.800 tỷ đồng, nợ BHYT hơn 2.600 tỷ đồng.

Thực tế, mặc dù cơ quan BHXH cũng đã áp dụng nhiều biện pháp thu hồi nợ, nhưng không đạt được hiệu quả. Tình trạng chây ỳ, nợ đọng vẫn tiếp diễn. Khi danh sách và số nợ ngày càng tăng, cơ quan BHXH buộc phải chọn cách kiện doanh nghiệp ra tòa và hầu như đều thắng kiện, nhưng thắng cũng chỉ để thắng thế thôi chứ đâu có thu hồi được nợ.

Vấn đề ở chỗ, cơ chế nào khiến doanh nghiệp nghiêm túc trong thực thi nghĩa vụ đóng bảo hiểm? Rõ ràng, việc trốn nghĩa vụ với Nhà nước là vi phạm pháp luật, nhưng chúng ta lại không thể có được một chế tài cứng rắn, đủ sức răn đe. Thật đáng suy nghĩ khi nghe một cán bộ BHXH huyện Từ Liêm cho biết, "có doanh nghiệp giao thông nói thẳng thừng: Công an, đầu gấu còn chẳng sợ, huống gì mấy ông bảo hiểm". Câu chuyện này dường như đã nói quá rõ bản chất của sự việc cũng như đưa ra một gợi ý tốt về hướng ứng xử. Tức là lúc này cái mà cơ quan BHXH cần là một biện pháp mạnh tay, chứ không phải cứ chạy theo doanh nghiệp.

Khi mà việc kiện ra tòa đòi tiền không mang lại hiệu quả do doanh nghiệp chây ỳ hoặc đã phá sản, bỏ trốn thì việc quy định trách nhiệm hình sự có thể sẽ là "cứu tinh". Các chính sách ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp và các đơn vị liên quan cũng cần phải được thiết lập cho cả quá trình thực thi chính sách BHXH, như: Nâng chế tài xử phạt; nâng lãi suất chậm nộp cao hơn mức trần lãi suất ngân hàng; bắt buộc quyền ưu tiên xử lý thanh toán khi doanh nghiệp phá sản là dành cho BHXH chỉ sau việc chi trả lương cho người lao động để tránh tình trạng ngân hàng phong tỏa tiền, tài sản của doanh nghiệp để giành lợi thế đòi nợ về mình.

Chỉ khi nào chúng ta mạnh tay mới có thể khắc phục được tình trạng trốn nợ BHXH, mà bản chất cũng là một dạng trốn thuế với Nhà nước, đồng thời cứu nguy cho Quỹ BHXH. Xử lý được tình trạng trốn, nợ BHXH cũng đồng nghĩa là bảo vệ được quyền lợi của người lao động trước cả những nguy cơ bị cắt giảm tiền lương trong những hoàn cảnh không mong muốn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp cứu nguy Quỹ Bảo hiểm xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.