Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải Oscar phim nói tiếng nước ngoài hay nhất: Nhiều nước lần đầu lên sàn đấu

Theo Thethaovanhoa| 09/10/2013 16:41

Arab Saudi, Moldova và Montenegro lần đầu tiên đã gửi phim tranh giải Oscar Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất năm nay. Danh sách các phim ganh đua giải này đã được Mỹ công bố hôm 7/10.

Năm nay có một lượng kỷ lục 76 quốc gia đã tham gia giành giải Oscar Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.

Những "đấu sĩ" mới

Phim Wadjda của Saudi với chủ đề bênh vực nữ quyền, nói về hành trình của một cô gái trẻ nhằm sở hữu một chiếc xe đạp tại một vương quốc Hồi giáo siêu bảo thủ, nơi phụ nữ bị tước đi mọi quyền lợi của họ, trong đó có quyền lái xe.

Được đạo diễn bởi nhà làm phim nữ đầu tiên của Arab Saudi và quay hoàn toàn tại nước này, phim đã giành giải Phim Arab hay nhất trong LHP Dubai năm ngoái và còn nhận một giải khác trong LHP Cannes vào tháng 3 năm nay.

Với Pakistan, phim Zinda Bhaag (Flee Alive) đánh dấu sự trở lại tranh đua của nước này, lần đầu tiên sau 50 năm. Đây là một bộ phim hài - gay cấn về 3 thanh niên tìm cách thoát khỏi những khó khăn vất vả trong cuộc sống thường nhật của họ, thông qua nhiều phương thức bất thường.

Phim Wadjda là tác phẩm điện ảnh đầu tiên của Arab Saudi tranh giải Oscar


Montenegro chọn phim Ace Of Spades – Bad Destiny, làm tác phẩm tranh giải đầu tiên kể từ khi trở thành quốc gia độc lập. Trong khi đó Moldova chọn All God's Children.

Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh đã công bố danh sách các phim tranh giải trong ngày 7/10, sau khi nó được xem xét bởi một ủy ban tiếng nước ngoài. Danh sách này lẽ ra đã được công bố từ thứ Sáu tuần trước. Tuy nhiên, ủy ban trên đã trì hoãn việc công bố do họ cần thêm thời gian để xem xét lại tính hợp lệ của một số phim.

Phim nói tiếng nước ngoài gần đây nhất đoạt giải Oscar là Amour (Love) của đạo diễn áo Michael Haneke. Phim này cũng giành giải Cành cọ vàng trong LHP Cannes hồi năm ngoái. Trước đó một năm, phim A Separation của Iran bước lên bục vinh quang.

Danh sách rút gọn 5 phim nói tiếng nước ngoài hay nhất sẽ được công bố trong ngày 16/1 năm tới. Phim đoạt giải sẽ được công bố trong lễ trao giải Oscar tổ chức vào ngày 2/5/2014.

Rất nhiều tranh cãi

Viện Hàn lâm cho phép mỗi nước tự đề cử phim tranh giải của mình và nhiều nước đã công bố sự lựa chọn của họ trong tuần trước. Nhưng ngay từ trước khi danh sách hé lộ, một số sự lựa chọn đã gây tranh cãi.

Ví dụ Pháp đưa phim Renoir đi tranh giải, khiến nhiều người băn khoăn sao đó không phải là Blue Is The Warmest Color. Thực tế Blue đã được khởi chiếu ở Pháp sau khoảng thời gian hợp lệ (1/10/2012 - 30/9/2013). Vì lẽ đó nó sẽ chỉ có thể tranh giải vào năm tới.

Ấn Độ chọn The Good Road thay vì The Lunchbox và Nhật Bản chọn The Great Passage thay vì Like Father, Like Son. Cả hai sự lựa chọn trên đều đối mặt với phản ứng dữ dội, bởi các phim bị bỏ qua đều đã được người ta xem và ca ngợi. Trong khi đó những phim đưa đi tranh giải lại chẳng được mấy người biết tới. Theo trang Variety, sự tức giận bùng nổ trên một số diễn đàn mạng đã giúp đánh sụp ít nhất 5 bộ phim tiềm năng tranh giải, trước khi các nước đệ trình "gà chọi" chính thức của mình.

Trong danh sách của năm nay, nhiều phim nằm ở nhóm chưa được công chiếu rộng rãi ngoài nước sản xuất ra nó. Nhưng cũng có những phim đã ghi dấu ấn tốt tại nhiều LHP. Thậm chí có cả phim đã được tung ra rạp ở Mỹ.

Các ứng cử viên nặng ký gồm có Gloria của Chile, The Hunt của Đan Mạch, The Grandmaster của Hong Kong, The Past (Iran), The Great Beauty (Italia), Borgman (Hà Lan), Omar (Palestine), Walesa (Ba Lan) và Wadjda (Arab Saudi).

Viện Hàn lâm đã mềm dẻo hơn

Được biết Viện Hàn lâm có những quy định hết sức ngặt nghèo về phim đề cử tranh giải. Ví dụ bộ phim đó phải chiếu khai mạc và chiếu liên tục trong vòng một tuần tại quốc gia sản xuất ra nó. Ngôn ngữ trong phim phải chủ yếu không sử dụng tiếng Anh.

Tuy nhiên, năm nay một số quy định đã được giảm nhẹ hoặc trở nên mềm dẻo hơn, như mức độ đóng góp nghệ thuật của một quốc gia. Trong kỷ nguyên nhiều phim được nhiều nước hợp tác sản xuất, ranh giới để phân định phim thuộc về nước nào thường không rõ ràng. Viện Hàn lâm chỉ yêu cầu các nhà đóng góp chính giúp phim ra đời phải tới từ quốc gia tuyên bố phim thuộc về họ.

Chủ tịch Ủy ban ngôn ngữ nước ngoài Mark Johnson cho Variety biết: "Chúng tôi tự hào trong việc trở nên mềm dẻo hơn. Chúng tôi muốn thêm nhiều phim tranh giải, không muốn loại bỏ chúng. Nhưng nếu chúng không hợp lệ, sẽ không có cách nào để thay đổi việc chúng không hợp lệ".

Một ví dụ là phim The Band’s Visit của Israel hồi năm 2007. Dù phim có nhiều sự đóng góp của Israel, ngôn ngữ lại có 65% là tiếng Anh. Vì lẽ đó Israel đã được thông báo về việc phim bị loại. Họ lập tức thay bằng phim Beaufort và nó đã nhận được một đề cử giải Oscar.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải Oscar phim nói tiếng nước ngoài hay nhất: Nhiều nước lần đầu lên sàn đấu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.