Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài mới đạt hơn 19%

Hương Thủy| 07/10/2021 16:36

(HNMO) - Tính đến ngày 6-10, giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài kế hoạch vốn năm 2021 của các bộ, ngành mới đạt 19,03% (3.166 tỷ đồng). Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài  9 tháng năm 2021 do Bộ Tài chính tổ chức sáng 7-10.

Quang cảnh hội nghị.

Theo Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành, địa phương kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, trong đó nguồn nước ngoài là 51.550 tỷ đồng (bộ, ngành là 16.637 tỷ đồng; địa phương: 34.913 tỷ đồng). Các bộ, ngành nhập dự toán trên hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis) đến hết tháng 9-2021 là 13.043 tỷ đồng, đạt 78%.

Tính đến ngày 6-10, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài kế hoạch vốn năm 2021 của các bộ, ngành đạt 19,03% (3.166 tỷ đồng).

Cũng tính đến thời điểm trên, Bộ Tài chính đã nhận được 9 văn bản của các bộ, ngành đề nghị trả lại kế hoạch vốn với tổng giá trị là 8.054 tỷ đồng, chiếm khoảng 44,08% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn này có thể phải điều chuyển cho các bộ, địa phương có nhu cầu giải ngân vượt kế hoạch hoặc buộc phải hủy kế hoạch vốn theo quy định.

Tại hội nghị, nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài và phải trả kế hoạch vốn được đưa ra là do tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của phần lớn các dự án ODA; chậm tiến độ hoặc không có khối lượng giải ngân do các vướng mắc trong quá trình triển khai dự án; công tác kế hoạch vốn chưa tốt, nhiều bộ, ngành chưa thể giao hết kế hoạch vốn chi tiết dẫn đến phải hủy dự toán.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công nguồn vốn này, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương thực hiện các giải pháp trong phạm vi quản lý và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan chủ quản kiểm tra, rà soát, giám sát, đôn đốc thực hiện kế hoạch vốn của các chủ dự án, kịp thời tháo gỡ ngay vướng mắc, khó khăn trong triển khai dự án và giải ngân; tiếp tục điều chuyển kế hoạch vốn nội bộ. Trường hợp không thể điều chuyển nội bộ, sớm có văn bản về việc cắt giảm để chuyển cho các bộ, ngành, địa phương khác.

Các chủ dự án, Ban quản lý dự án có trách nhiệm khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án; kịp thời phát hiện các vướng mắc để xử lý hoặc báo cáo cơ quan chủ quản xử lý theo thẩm quyền...

Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp tháo gỡ khó khăn, thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi; tiếp tục hoàn thiện quá trình kiểm soát chi, xử lý đơn rút vốn tại Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước để bảo đảm đúng thời hạn, đúng chế độ quy định, không để tồn đọng hồ sơ mà không có lý do.

Chiều cùng ngày, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương về việc triển khai các nhiệm vụ cấp bách nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi trong 3 tháng cuối năm 2021.

Theo Bộ Tài chính, tổng kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ODA, vay ưu đãi nước ngoài được giao đầu năm 2021 của các địa phương là 63.709 tỷ đồng, trong đó, vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương là 34.913 tỷ đồng và vốn cho các địa phương vay lại là 28.796 tỷ đồng.

Trong 9 tháng qua, giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài của các địa phương rất thấp. Giải ngân vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu đạt 11,51% dự toán; giải ngân vốn cho địa phương vay lại đạt 7,78% dự toán.

Bộ Tài chính dự kiến, giải ngân đầu tư công nguồn nước ngoài cả năm 2021 của các địa phương chỉ đạt xấp xỉ 36,5% kế hoạch vốn cấp phát được giao.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến giải ngân nguồn vốn trên chậm, trong đó không thể không kể đến lý do dịch Covid-19, bởi nhiều hoạt động sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi đều gắn với yếu tố nước ngoài, từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài mới đạt hơn 19%

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.