(HNM) - Các chỉ số cải cách hành chính đã chỉ ra những giới hạn và “dư địa” cho sự đổi mới, phát triển của lĩnh vực này.
Với tinh thần như vậy, Chỉ số cải cách hành chính - PAR Index 2017, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính - SIPAS 2017 vừa được công bố là cơ sở quan trọng khẳng định những thành công cũng như chỉ ra hạn chế và khả năng cải thiện những chỉ số này của Hà Nội.
Trước hết, việc tăng một bậc so với năm 2016 và ghi dấu ấn ở vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng PAR Index của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước là một kết quả đáng ghi nhận, khẳng định cho hướng đi đúng của Hà Nội trong lĩnh vực đòi hỏi sự bền bỉ và quyết tâm cao này.
Trong đó, những chỉ số thành phần được cải thiện, đạt mức cao đều thuộc những nội dung có tính cơ bản, bền vững như: Chỉ số “Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” đạt 86,76%; chỉ số "Cải cách thủ tục hành chính" đạt 96,21%; chỉ số "Cải cách tài chính công" đạt 90,47%…
Tuy nhiên, như trên đã nói, điều quan trọng là cần “đọc”, “giải mã” được những thông điệp quan trọng khác bên cạnh kết quả. Ví như vì sao một số chỉ số đáng chú ý như cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, hiện đại hóa hành chính… lại giảm so với năm 2016? Đâu là nội dung đột phá cần tác động để tạo ra kết quả vượt trội cho PAR Index 2018? Còn giải pháp tiềm năng nào chưa được khai thác, phát huy?...
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng nói đến 3 yếu tố quan trọng trong cải cách hành chính là phương pháp, cách làm và con người làm cải cách.
Vì vậy, để trả lời thấu đáo những câu hỏi trên, các địa phương, sở, ban, ngành chức năng của Hà Nội phải đồng hành cùng thành phố, nắm rõ 8 giải pháp mà Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ Trương Hòa Bình nêu chung cho các bộ, ngành tại hội nghị công bố PAR Index 2017 và SIPAS 2017; đồng thời thực hiện tốt những nhiệm vụ trực tiếp liên quan. Trong đó, nội dung hàng đầu là sử dụng hiệu quả kết quả hai chỉ số này trong chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính tại địa phương…
Để sử dụng tốt, rất cần phân tích làm rõ nguyên nhân của hạn chế, yếu kém cũng như trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong triển khai từng nhiệm vụ cải cách hành chính; tác động mạnh vào chỉ số thành phần còn yếu, có khả năng tạo đột phá lớn…
Bên cạnh đó, cũng nên tranh thủ nhân rộng mô hình hiệu quả, phát động tính sáng tạo trong thực hiện cải cách hành chính. Đặc biệt là tập trung cho yếu tố con người bằng việc thưởng, phạt rõ ràng, tạo động lực cho lực lượng công chức thực thi nhiệm vụ tốt hơn.
Đáng chú ý, quá trình cải cách hành chính đòi hỏi không ngừng bám sát những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của TP Hà Nội về: Tinh giản biên chế; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018…
Có thể nói, PAR Index hay SIPAS là công cụ nhằm hiện thực hóa mệnh lệnh phát triển, nhưng tuyệt đối không phải là cuộc chạy đua thành tích về con số. "Giải mã" đúng thực trạng thì những kết quả cải cách hành chính càng thêm thực chất, hiệu quả lâu bền; tạo ra những thay đổi cụ thể cho đời sống kinh tế - xã hội, bồi đắp lòng tin của người dân Thủ đô và cả nước.
Có như vậy và chỉ như vậy, những chỉ số cải cách hành chính công bố ra mới được xem là có hiệu quả sử dụng cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.