Nếu cho nhập khẩu vàng thật nhiều, giá vàng sẽ giảm trong chốc lát... nhưng sau đó lại gây áp lực lên giá USD. Rõ ràng “được lòng vàng mất lòng USD”.
Người dân đổ xô đi mua vàng, mua USD, nhà đầu tư trên TTCK cũng có biểu hiện lưỡng lự... Các nhà lập chính sách đang cố gắng cân đong, tìm cho được điểm đột phá cho các chính sách: vàng, tỷ giá, hay lãi suất...
Được lòng vàng mất lòng USD
Việc giá vàng lên cơn sốt mấy tháng trước đây và mấy ngày đầu tháng 11/2010 được báo giới mô tả là vàng “điên loạn”. Cũng giống như giá vàng sốt lần trước, Thống đốc NHNN ngay lập tức cho nhập khẩu vàng để đáp ứng nhu cầu trong nước. Như vậy, các nhà nhập khẩu sẽ dùng một lượng USD rất lớn để nhập khẩu vàng.
Vấn đề phải quan tâm hiện nay là, nhiều DN sản xuất lại không được đáp ứng ngoại tệ để nhập khẩu máy móc thiết bị hay để nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu cho dự án của mình. Theo giá hiện thời nếu giá vàng lên 1.400 USD/Toz thì 1kg vàng sẽ tiêu tốn 45.000 USD và nếu 1 tấn vàng sẽ tốn 45.000.000 USD.
Theo thông tin của báo giới và của Hội đồng vàng thế giới (WGC), trong 20 năm qua, trung bình mỗi năm VN nhập khẩu 50 tấn vàng và tổng số vàng hiện nay được nhiều người ước là 1.000 tấn còn nằm trong két sắt của dân.
Theo số trung bình đó, người ta cũng ước tính nếu năm 2010, VN cũng sẽ dùng số ngoại tệ cho nhập khẩu vàng lên tới 2.250.550.000 USD. Quan sát trên thị trường vàng trong nước cho thấy, các DN VN nhập khẩu vàng miếng tiêu chuẩn quốc tế về và đem đúc thành vàng tiêu chuẩn VN.
Có rất nhiều nhãn hiệu vàng khác nhau trên thị trường vàng VN và do đó không ai chấp nhận vàng của ai sản xuất ra (theo cách thức, nếu hãng này mua vàng của hãng khác thì đánh tụt hạng vàng xuống một bậc hay tương tự).
Theo các chuyên gia, nếu vàng cùng được chấp nhận theo một tiêu chuẩn chung (như ở Anh hay ở Thuỵ Sĩ... ), NHTM có thể huy động được và nếu là vàng tiêu chuẩn quốc tế thì vàng được liên thông không chỉ với NHTM mà còn cả thị trường thế giới. Đó cũng là nguyên nhân tại sao vàng hiện nằm chết ở trong dân.
Như vậy vấn đề làm thế nào tiết kiệm ngoại tệ nhập khẩu và nguồn vàng còn nằm chết trong tay người dân đang là vấn đề đặt ra trong dài hạn.
Tuy nhiên, thời điểm hiện nay, khi đất nước đang cần USD để nhập hàng cho sản xuất của khu vực sản xuất và khi tỷ giá đang quá nóng thì rõ ràng dùng ngoại tệ quá nhiều để nhập vàng về, cắt nhỏ ra và bán cho dân, để nó lại nằm im lìm trong túi người dân và 10 năm sau số vàng được tích tụ trong dân có thể lên tời vài ngàn tấn chứ không phải một ngàn tấn như hiện nay.
Rõ ràng, nếu cho nhập khẩu vàng thật nhiều, giá vàng sẽ giảm trong chốc lát... nhưng sau đó lại gây áp lực lên giá USD và tất nhiên sau đó giá vàng trong nước lại tăng (tính theo VND)... Theo vòng xoáy đó, rõ ràng “được lòng vàng mất lòng USD”.
Tỷ giả - lãi suất cân đong
Trong khoảng 3 năm qua, lãi suất và tỷ giá đều là mối quan ngại đối với các DN. Tỷ giá đã từng được tuyên bố giữ ổn định nhưng sau đó lại là sốc. Lãi suất thấp đã được coi là mục tiêu hỗ trợ DN nay lại đổi hướng. Điều đó chắc chắn DN phải có đối sách kinh doanh mới với định hướng lãi suất này.
Về lãi suất, đã có điều tra về khả năng chịu đựng lãi suất cho thấy, đa số các DN không chịu nổi mức lãi suất ngắn hạn trên 12%/năm. Chính phủ và NHNN đã có khá nhiều nỗ lực nhằm cố ép lãi suất xuống để giúp DN chịu đựng được.
Tuy nhiên, theo lý thuyết, nếu lãi suất tiền đồng thấp thì VND sẽ yếu và lại càng tăng sức ép mất giá của VND. Và nếu khi lãi suất cao hơn (do tự do hoá lãi suất và nâng lãi suất cơ bản lên 9%/năm kể từ 5/11/2010) thì sẽ làm VND giữ được giá và giảm áp lực phá giá VND và hơn thế nữa, việc nâng lãi suất này, cũng giảm áp lực lạm phát.
Một số chuyên gia còn cho rằng, việc nâng lãi suất còn có tác dụng như một công cụ hỗ trợ (chính sách trung hoà) cho VN có thể có giải pháp nới lỏng hơn biên độ giao dịch của tỷ giá mà không gây áp lực lạm phát... Và như vậy với tình hình hiện tại, vì mục tiêu ổn định tỷ giá thì mục tiêu lãi suất thấp lại bị hy sinh.
Trong khi đó việc cố gắng điều hành lãi suất USD ở VN theo (như lãi suất tiền gửi, tiền vay ở mức thấp,...) vừa qua cũng cho thấy đã có tác dụng phụ nhất định lên tỷ giá và kích thích nhu cầu vay ngoại tệ và để lại những xáo trộn trên thị trường.
Về lãi suất hiện nay, Hiệp hội Ngân hàng VN đang cố gắng để các NHTM cam kết mức lãi suất huy động là 12%/năm. Đó là điều kiện tuyệt vời vì đó là mức lãi suất đồng loạt như nhau cho tất cả thị trường, không kể NHTM lớn hay nhỏ.
Tuy nhiên, theo quan điểm rủi ro và thu nhập, chính sự đồng nhất đó lại là sự vô lý: người gửi tiền sẽ bối rối vì không thể các NHTM bị đánh đồng, NHTM nào có mức độ tín nhiệm thấp thì lãi suất phải trả cho người gửi tiền cao hơn. Trong thực tế cho thấy, các NHTM nhỏ, chắc chắn phải bị đánh giá rủi ro cao hơn các NHTM lớn. Khi áp dụng mặt bằng lãi suất như nhau, vô hình trung tạo ra văn hoá đánh đồng.
Đứng về phía NHTM, các NHTM nhỏ áp dụng lãi suất như các NHTM lớn (huy động) sẽ không thể huy động được vốn và có thể họ phải xử lý bằng cơ chế bù ngoài khác - làm cho lãi suất - chi phí ngân hàng rất méo mó và tốn kém về mặt xử lý giấy tờ.
Việc hạn chế các giao dịch cho vay, huy động vàng đối với các NHTM (bằng các cách thức) chắc chắn cần đặt ra nhằm đảm bảo hạn chế tình trạng chấp nhận rủi ro quá mức của NHTM khi thiếu thanh khoản hay tìm kiếm lợi nhuận, đảm bảo tăng giá trị VND...
Tuy nhiên việc này cần tiến hành tổng thể có cơ sở khoa học và trên cơ sở có các giải pháp khác hỗ trợ và đặc biệt cần được tiến hành trong điều kiện kinh tế vĩ mô có sự ổn định tốt và sự đồng thuận của xã hội.
Về tỷ giá, cơ quan có thẩm quyền đã phát đi tín hiệu từ nay đến cuối năm 2010, tỷ giá sẽ ổn định. Đó là một định hướng tuyệt vời về mặt chính sách. Việc ổn định mà chắc chắn, sẽ giúp DN có kế hoạch kinh doanh chuẩn, không bị phá vỡ kế hoạch sản xuất.
Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay cần phát đi tín hiệu rằng, các giải pháp cân bằng đều trong thế động (dynamic): việc ổn định tỷ giá đang cố gắng duy trì trên cơ sở thâm hụt thương mại đang cố gắng duy trì dưới 20% kim ngạch nhập khẩu (khoảng 13 tỷ USD/năm); thâm hụt ngân sách cố gắng 5% GDP, chênh lệch đầu tư và tiết kiệm nội địa khoảng 10% GDP - khi đó lãi suất trong nước khó có thể thấp và đòi hỏi nhu cầu tài trợ từ bên ngoài (dòng vốn vào) ngày càng gia tăng.
Việc chi tiêu quá mức (cả khu vực công và tư nhân) sẽ làm giảm tiết kiệm nội địa, đi kèm với đầu tư quá mức và không hiệu quả sẽ dẫn đến lãi suất có khuynh hướng tăng cao - mà trước tiên là lãi suất trái phiếu chính phủ.
Khi các vấn để cân đối lớn chưa xử lý được bền vững thì áp lực ngoại tệ sẽ thường trực. Bài toán cân đong các chính sách lúc nào cũng phải đặt ra, tuy nhiên nếu đảm bảo được tổng thể, hài hòa giữa các chính sách thì DN, thị trường và nền kinh tế nói chung không bị sốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.