Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải bài toán tái hòa nhập cộng đồng

Mai Hoa| 01/03/2023 07:24

(HNM) - Không chỉ thực hiện việc chữa bệnh, cai nghiện và hỗ trợ người nghiện ma túy chuẩn bị các điều kiện tái hòa nhập cộng đồng, Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội (xã Yên Bài, huyện Ba Vì) còn “gánh” việc khó là chăm sóc 56 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, bị nhiễm HIV. Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội Hoàng Văn Luật đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, chia sẻ về những giải pháp thực hiện các trọng trách này.

Chuẩn bị suất ăn tại Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội (xã Yên Bài, huyện Ba Vì).

- Ông có thể cho biết một vài điểm nhấn trong hoạt động của đơn vị thời gian qua?

- Là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, chúng tôi tổ chức thực hiện việc chữa bệnh, cai nghiện, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách cho người nghiện ma túy. Đồng thời, tổ chức dạy nghề, dạy văn hóa, hướng dẫn họ lao động sản xuất, chuẩn bị các điều kiện tái hòa nhập cộng đồng. Một mặt quản lý, tư vấn, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy ổn định tâm lý, sức khỏe; mặt khác, chúng tôi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ họ phòng, chống tái nghiện.

Thời gian qua, cơ sở đã tiếp nhận, phân loại, tổ chức chữa bệnh, cai nghiện, phục hồi sức khỏe, chăm sóc, tư vấn cho hàng trăm đối tượng nghiện ma túy phải cai nghiện bắt buộc và tự nguyện. Cùng với đó, cơ sở đang chăm sóc, nuôi dưỡng 56 thanh thiếu niên, đa phần thuộc các nhóm tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi và từ 18 tuổi trở lên. Các em đều bị nhiễm HIV từ nhỏ, có em bị nhiễm từ mẹ ngay khi mới sinh, được điều trị, nuôi dưỡng, chăm sóc, học tập, sinh hoạt tại cơ sở từ nhiều năm nay để từng bước trưởng thành.

- Với các đối tượng đặc thù như vậy, công việc của cán bộ, nhân viên của đơn vị thực sự không hề đơn giản, thưa ông?

- Chúng tôi đều xác định, phải nhiệt huyết, tâm huyết, yêu nghề, ý thức rõ giá trị của nghề mới có thể gắn bó lâu dài với công việc phục vụ, chăm sóc, điều trị các đối tượng ở cơ sở cai nghiện ma túy, bởi luôn phải đối diện với nhiều nguy cơ. Với các đối tượng cai nghiện, có những bạn “chơi đá” liều lượng cao thời gian dài, bị hoang tưởng, ảo giác, rối loạn tâm thần. Từng có trường hợp học viên lên cơn “ngáo đá” bất ngờ, đang đi bỗng nhiên lao vào đánh cán bộ “tím mắt”. Với các cháu thanh thiếu niên bị nhiễm HIV, lúc còn nhỏ, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị thuốc kháng virus ARV… phải thực hiện đúng cách, lên kế hoạch rõ ràng, tỉ mỉ và quan tâm hơn. Nay các cháu vào lứa tuổi thanh thiếu niên, đều đang trong quá trình thay đổi tâm sinh lý rất phức tạp. Nhiều cháu sức khỏe ổn định, tự cho rằng mình đã lớn, coi như mình không có bệnh và rất muốn về cộng đồng. Tuy nhiên, hòa nhập cộng đồng không dễ, bởi các cháu từ nhỏ đến lớn đều được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở, có những cháu tuy có gia đình, nhưng họ không muốn đón về…

- Vậy, đơn vị sẽ thực hiện các giải pháp nào để hỗ trợ các đối tượng này được tái hòa nhập cộng đồng hiệu quả, thưa ông?

- Một mặt làm tốt công tác điều trị, mặt khác, chúng tôi tập trung giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách, mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ cho các đối tượng. Cùng với đó là tổ chức nhiều hoạt động thể dục, thể thao và các hoạt động văn hóa, xã hội cho đối tượng, vừa tạo môi trường sinh hoạt phong phú, vừa hỗ trợ họ thay đổi nhận thức, hành vi, bảo đảm điều kiện tái hòa nhập cộng đồng.

Ngoài ra, cơ sở cũng hướng dẫn, tư vấn cho gia đình đối tượng về chữa trị, cai nghiện, quản lý, giáo dục tại gia đình và cộng đồng; tổ chức lao động trị liệu, dạy nghề, lao động sản xuất. Thực hiện các dự án về việc làm, chúng tôi liên doanh liên kết với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong dạy nghề, tư vấn, hỗ trợ giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập. Các học viên vừa được học, vừa được làm các công việc phù hợp sức khỏe, vừa được trả lương với nghề may, nghề hàn, làm tóc giả, gập túi cho siêu thị…

Với các cháu nhiễm HIV từ nhỏ, phải hỗ trợ dạy nghề thật tốt để các cháu có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, có thể sống độc lập. Cùng với đó là mời các chuyên gia tâm lý, chuyện trò, nâng cao nhận thức, kiến thức xã hội để các cháu không bị sốc tâm lý khi hòa nhập cộng đồng. Chúng tôi cũng tính đến giải pháp kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ các cháu giỏi nghề được làm việc ngay tại cơ sở. Nếu các cháu có nguyện vọng ở lại cơ sở để học tập, làm việc, chúng tôi ưu tiên đáp ứng.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải bài toán tái hòa nhập cộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.