(HNM) - Hà Nội có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm 60%, chất thải từ chuồng trại trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Lời giải cho bài toán xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi là một hệ thống giải pháp với sự chung tay của các cơ quan chức năng, địa phương, doanh nghiệp và người chăn nuôi.
Ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi nhỏ lẻ
Gia đình ông Đặng Văn Mỳ, thôn Lưu Xá, xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) thường xuyên nuôi 30-50 con lợn. "Do diện tích đất của gia đình chật chội nên nhà ở và chuồng trại chăn nuôi gần với nhau, không bảo đảm vệ sinh môi trường. Tuy nhiên hiện cũng không có cách nào khác bởi địa phương chưa quy hoạch được khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư", ông Đặng Văn Mỳ nói.
Còn ông Nguyễn Gia Hùng, thôn Bá Dương Nội, xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) nêu thực tế ở địa phương vẫn có nhiều hộ chăn nuôi trong khu dân cư nhưng chưa có hệ thống xử lý chất thải phù hợp nên ảnh hưởng tới môi trường sống của các hộ dân xung quanh. Trao đổi thêm về tình trạng này, Chủ tịch UBND xã Hồng Hà Nguyễn Mạnh Hà, cho biết: Hiện trên địa bàn xã vẫn còn hàng nghìn con lợn, bò chăn nuôi trong khu dân cư. Do quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, các hộ không đủ kinh phí đầu tư hệ thống chuồng trại khép kín nên gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Hiện tại, Hà Nội có gần 155 nghìn con trâu, bò; 1,3 triệu con lợn; 38,9 triệu con gia cầm. Trong khi đó, theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, trong chăn nuôi, ô nhiễm nước thải chủ yếu từ quá trình chăn nuôi lợn. Theo tính toán, chăn nuôi lợn thải ra môi trường khoảng 24 lít nước thải/con/ngày.
Về nguyên nhân dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (Sở NN&PTNT Hà Nội) Đỗ Quý Hùng nhận định: Hiện công tác thu gom chất thải chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Các trang trại nằm xen kẽ trong khu dân cư có quỹ đất nhỏ hẹp, không đủ diện tích để xây dựng các công trình bảo vệ môi trường, xử lý chất thải…
Chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư
Thực tế cho thấy, để phát triển chăn nuôi bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giải pháp căn cơ nhất là chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, ứng dụng công nghệ xử lý sinh học... Bà Trương Kim Hoa, chủ trang trại Hoa Viên (xã Yên Bình, huyện Thạch Thất) cho biết: Trang trại đã lấy chất thải từ hàng nghìn con lợn để nuôi trùn quế, lấy phân bón cho các vườn rau hữu cơ. Hiện, mỗi năm trang trại xử lý 30.000 tấn chất thải, cho sản lượng hơn 10.000 tấn phân trùn quế và 5.000 tấn sinh khối trùn giống. Bà Trương Kim Hoa đề xuất, thành phố hỗ trợ liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, hợp tác xã trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ trùn quế để tạo chuỗi sản xuất, tiêu thụ ổn định.
Ở góc độ địa phương, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh thông tin: Trước mắt, để khắc phục ô nhiễm môi trường do chăn nuôi trong khu dân cư, huyện đang đẩy mạnh tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm các quy định bảo vệ môi trường. Ngoài ra, thời gian tới, Thanh Trì sẽ ưu tiên đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang các vùng chuyên canh rau và nuôi trồng thủy sản thay vì phát triển chăn nuôi.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho hay: Thực hiện chỉ đạo của thành phố, huyện đã đầu tư 2 khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư tại khu vực bãi Đáy, thôn La Thạch (xã Phương Đình) quy mô hơn 24,6ha và khu vực bãi Ngũ Châu (xã Trung Châu) quy mô 10,6ha. Bên cạnh đó, Đan Phượng đang xây dựng dự án chăn nuôi xa khu dân cư tại khu vực Trung Châu A (xã Trung Châu) với diện tích khoảng 50ha.
Về giải pháp tổng thể, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng nhấn mạnh, đối với các địa phương thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND của HĐND thành phố ban hành quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố Hà Nội, chính quyền cần có giải pháp sớm triển khai thực hiện. Với các địa phương khác cần tuyên truyền, vận động người dân không chăn nuôi trong khu dân cư; có cơ chế, tổ chức đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, mở hướng làm ăn mới cho nông dân. Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát, yêu cầu các hộ chăn nuôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại không để ảnh hưởng đến môi trường, đời sống nhân dân; kiên quyết không cấp phép và xử lý nghiêm đối với doanh nghiệp, trang trại không bảo đảm các biện pháp bảo vệ môi trường.
Thời điểm hiện tại, Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển chăn nuôi ở 15 vùng chăn nuôi tập trung và chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, VietGAP. Đây cũng là giải pháp mang tính dài hạn để hướng đến mục tiêu kép là bảo đảm an toàn dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường, đồng thời phát triển bền vững ngành chăn nuôi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.