Do giá dầu thô tiếp tục tăng nên doanh nghiệp dự báo giá xăng dầu trong nước có thể tăng khoảng 550-800 đồng/lít trong kỳ điều hành ngày mai, 1-6.
Dữ liệu từ Bộ Công Thương cập nhật đến ngày 29-5 cho thấy, bình quân giá xăng RON 92 (dùng để điều chế xăng E5 RON 92) là 88,13 USD/thùng, RON 95 là 93,07 USD/thùng.
Trong khi đó, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới kỳ điều hành trước là 85,1 USD/thùng xăng RON 92; 89,6 USD/thùng xăng RON 95 và 89,1 USD/thùng dầu diesel.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tại phía Nam cho biết, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore tiếp tục tăng sau kỳ điều hành ngày 22-5, đã lên hơn 90 USD/thùng.
Theo đó, nhiều khả năng giá xăng ngày mai tăng khoảng 550-800 đồng/lít, dầu diesel tăng ít hơn. Tuy nhiên, mức điều chỉnh còn phụ thuộc vào quyết định sử dụng quỹ bình ổn của cơ quan điều hành.
Tương tự, chủ một doanh nghiệp phân phối xăng dầu tại miền Bắc cũng cho biết, giá xăng dầu có thể tăng mạnh hơn kỳ điều hành trước ở mức 600-700 đồng/lít. Mức chiết khấu xăng dầu nhiều kho ngày 31-5 đang ở mức 400-800 đồng/lít.
Nếu đúng như dự báo, giá xăng trong nước sẽ tăng 2 lần liên tiếp. Từ đầu năm đến nay, mặt hàng này đã có 8 lần tăng, 6 lần giảm và một lần giữ nguyên.
Hiện, dư địa quỹ bình ổn xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối tiếp tục dương lớn. Trong đó, tính đến 22-5, Petrolimex dương 2.908 tỷ đồng, PVOil âm 139 tỷ đồng, Saigon Petro dương 324 tỷ đồng, Petimex dương 441 tỷ đồng...
Theo báo cáo về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu mới được Bộ Tài chính công bố, tính đến hết quý I, tổng số dư quỹ đã tăng lên mức 5.640 tỷ đồng, cao nhất kể từ quý I-2021 đến nay. Theo Bộ Tài chính, so với quý liền trước, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã tăng hơn 1.040 tỷ đồng.
Tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 6-4 vừa qua, góp ý dự thảo Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, cần hạn chế mức thấp nhất vận động người dân, doanh nghiệp tham gia vào quỹ bình ổn này.
"Quỹ bình ổn giá là do Nhà nước trực tiếp quản lý và Nhà nước phải đầu tư từ ngân sách để khi có sự đột biến như giá xăng dầu thời gian qua thì Nhà nước sử dụng để can thiệp vào thị trường. Quỹ bình ổn giá là của Nhà nước mà vận động người dân tham gia thì sẽ không hay", ông Hòa nhìn nhận.
Về vấn đề duy trì quỹ bình ổn giá xăng dầu, đại biểu cho rằng, nên duy trì quỹ này vì Quỹ bình ổn giá xăng dầu thời gian qua đã tham gia vào thị trường, hạn chế mức giá trần của xăng dầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.