Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giá xăng dầu tăng tác động mạnh tới nền kinh tế

Hồng Sơn| 28/10/2021 10:51

(HNMO) - Sau khi cơ bản khống chế được dịch Covid-19, kinh tế thế giới đang đối mặt với việc giá nguyên, nhiên liệu đầu vào, đặc biệt là giá xăng dầu tăng cao. Đây là yếu tố tác động mạnh mẽ đối với doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê về vấn đề này.

- Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến giá xăng dầu tăng cao?

- Giá dầu thô tăng tới 60% trong năm nay nhưng các nhà khai thác không tăng sản lượng. Trong khi đó, số người trên thế giới được tiêm vắc xin ngày càng nhiều, các nền kinh tế đang dần mở cửa, hoạt động giao lưu, giao thông vận tải, du lịch đang khởi sắc khiến nhu cầu sử dụng xăng dầu tăng cao.

Một số ngân hàng quốc tế nhận định, giá dầu thô sẽ tiếp tục tăng trong vài năm tới do nhu cầu tăng mạnh trong khi nguồn cung hạn chế; thị trường dầu thô sẽ phải trải qua thời kỳ thiếu hụt nguồn cung dài nhất trong nhiều thập niên qua. Vì vậy, trong thời gian tới, thị trường xăng dầu thế giới có thể còn biến động lớn, khả năng giá dầu thô có thể chạm ngưỡng 100 USD/thùng vào mùa hè năm 2022.

- Việc giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng thế nào đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và nền kinh tế Việt Nam, thưa ông? 

- Kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên liệu nhập khẩu nên khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên, nhiên liệu trong nước. Trong hoạt động sản xuất hàng hóa và dịch vụ, tùy theo quy trình sản xuất của mỗi ngành, nhưng hầu hết các ngành đều sử dụng xăng dầu. Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy xăng dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm của doanh nghiệp.

Đặc biệt, giá xăng dầu tăng tác động rất mạnh tới các ngành như: Đánh bắt thủy sản, vận tải. Vì vậy, bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của dịch vụ, hàng hóa sản xuất trong nước, tác động xấu trên diện rộng.

Đối với nền kinh tế nước ta, khi giá xăng dầu tăng 10% sẽ làm tổng sản phẩm nội địa (GDP) giảm khoảng 0,5% - mức giảm khá lớn, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế.

- Ông có thể nói rõ hơn về tác động của tăng giá xăng dầu đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI)?

- Giá xăng dầu tăng trực tiếp làm tăng chỉ số CPI, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân cũng như mục tiêu an sinh xã hội. Khi giá xăng dầu tăng 10% sẽ làm cho chỉ số CPI tăng 0,36 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Khi giá xăng dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ phải cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, và điều này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế.

- Vậy ông có thể gợi ý một số giải pháp?

- Hiện, sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân đã giảm sút trong khi sức ép lạm phát lại tăng lên. Khi xây dựng kịch bản tăng trưởng GDP và kiểm soát lạm phát mục tiêu là 4% theo quý và cả năm 2022 làm căn cứ để đưa ra các giải pháp điều hành phù hợp và linh hoạt đã bao gồm một số định hướng chủ đạo; chủ yếu trên cơ sở bảo đảm lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Chính phủ giao Bộ Công Thương nắm bắt giá xăng dầu trên thị trường thế giới, phối hợp với Bộ Tài chính phân tích những yếu tố về giá và thuế để điều chỉnh các loại thuế có liên quan đến xăng dầu. Hai bộ này cùng các doanh nghiệp nhận định, đánh giá và phối hợp nhịp nhàng để sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Từ đó, quyết định giá bán sao cho phù hợp với giá thế giới, bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp và người dân.

Trong những tháng còn lại của năm 2021 và nửa đầu năm 2022, Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính và doanh nghiệp cần bám sát diễn biến thị trường xăng dầu, tình hình chính trị thế giới ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu để có giải pháp ứng phó linh hoạt với giá dầu tăng cao nhằm giảm thiểu tác động xấu đến tăng trưởng và lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2021 và năm 2022.

- Trân trọng cảm ơn ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá xăng dầu tăng tác động mạnh tới nền kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.