(HNM) - Ngày 18-10, tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 70 năm ra đời tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (10/1947 - 10/2017) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Sửa đổi lối làm việc - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và đồng chí Võ Văn Phuông, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì hội thảo. Tham dự có khoảng 100 nhà khoa học, nhà quản lý, đại biểu các cơ quan trung ương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Cẩm nang nâng cao sức chiến đấu của Đảng
Đề dẫn hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng cho biết, năm 1947, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước sang năm thứ hai. Trước kẻ địch mạnh hơn, để bảo vệ nền độc lập dân tộc và chính quyền cách mạng non trẻ, giữ vững quyền làm chủ, tự do và hạnh phúc của nhân dân, Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định, phải dựa vào sức mạnh nội sinh của toàn dân tộc, phát huy sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, sự ưu việt của chế độ mới.
Trong khi đó, hai năm sau ngày Cách mạng Tháng Tám thắng lợi đã xuất hiện những khuyết điểm trong hoạt động lãnh đạo, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, gây nên những trở lực đối với cách mạng. Nhận thức sâu sắc tình hình trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh XYZ đã viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Tác phẩm gồm sáu phần lớn, đề cập việc sửa chữa, đổi mới công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức nhằm sửa chữa khuyết điểm, phát huy những ưu điểm. “Từ khi ra đời, “Sửa đổi lối làm việc” đã thực sự trở thành cuốn cẩm nang hết sức bổ ích, thiết thực, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng” - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định.
45 tham luận đã được gửi tới cùng với 8 bài phát biểu trực tiếp tại hội thảo. Các đại biểu đã làm sáng rõ giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, đề xuất giải pháp vận dụng tác phẩm kinh điển này vào thực tiễn. Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương nêu rõ, những gì thể hiện trong tác phẩm đã tự nói lên phương pháp tư duy sáng suốt, cách nhìn rất thực tế của Hồ Chí Minh về thực tiễn cách mạng, chỉ ra những vấn đề sống còn. Trước hết đó là vấn đề xây dựng, củng cố Đảng, cần phải “sửa đổi lối làm việc của Đảng” để giữ vững “tư cách của Đảng chân chính cách mạng”. Hoàn cảnh càng khó khăn, phức tạp thì việc “sửa đổi lối làm việc” để chỉnh đốn, củng cố và nâng cao năng lực cầm quyền, năng lực lãnh đạo của Đảng càng cần thiết, cấp bách.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, “Sửa đổi lối làm việc” có thể nói là tác phẩm đầu tiên đặt vấn đề trực tiếp và trình bày một cách hệ thống tư tưởng đổi mới của Hồ Chí Minh trong điều kiện Đảng đã cầm quyền. Trong tác phẩm, Người nêu bật 12 điều về xây dựng Đảng, làm cho Đảng tỏ rõ tư cách của Đảng chân chính cách mạng. Chỉ với 12 điều rất cụ thể, chỉ cô đọng trong 456 từ mà Hồ Chí Minh đã định hình hệ thống quan điểm và phương pháp có giá trị và ý nghĩa như một chủ thuyết về đảng cầm quyền.
Khơi dậy giá trị “Sửa đổi lối làm việc”
Đề cập nội dung “vấn đề cán bộ” trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thế, Phó Giám đốc Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) phân tích, trong phạm vi 16 trang viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát, luận giải gọn, rõ những việc Đảng cần tập trung giải quyết. Theo Người, trước khi cất nhắc cán bộ phải biết rõ cán bộ.
Người viết: “Kinh nghiệm cho ta biết: Mỗi lần xem xét lại nhân tài, một mặt thì tìm thấy những nhân tài mới, một mặt khác thì những người hủ hóa cũng lòi ra”. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Thắng (Học viện Chính trị khu vực I) cho rằng, những phân tích sâu sắc nguồn gốc, biểu hiện của các căn bệnh, khuyết điểm, sai lầm của cán bộ trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thấy sự giống nhau về mặt bản chất của chúng với các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng ta hiện nay.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng thể hiện trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” mãi mãi là cơ sở chỉ dẫn cho quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng giữ được bản chất cách mạng và khoa học, hoàn thành sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Ngọc Hoa, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân nhấn mạnh, tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” là tài liệu đặc biệt quan trọng. Những chỉ dẫn cụ thể trong tác phẩm nếu được học tập và quán triệt tốt sẽ góp phần đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nâng cao ý thức chính trị, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Nhiều ý kiến tại hội thảo đề xuất, các cơ quan trung ương cần có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” trong toàn hệ thống chính trị, đưa tác phẩm thấm sâu trong đời sống hằng ngày, nhất là trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.