Góc nhìn

Giá trị thiết thực

Hiền Lương 29/08/2023 - 07:09

UBND thành phố Hà Nội vừa có hàng loạt chỉ đạo về việc cải thiện các chỉ số cải cách hành chính. Điều này khẳng định rõ quan điểm, đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp phải trở thành hành động tự giác của mỗi tập thể, cá nhân trong các cơ quan hành chính và phải đem lại giá trị thiết thực.

Chỉ đạo thể hiện quyết tâm của thành phố là Quyết định số 4190/QĐ-UBND về việc ban hành Chỉ số cải cách hành chính của các sở, cơ quan tương đương sở và UBND các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2030. Bộ tiêu chí xác định Chỉ số cải cách hành chính gồm 8 nội dung nhằm theo dõi, đánh giá thực chất và khách quan kết quả thực hiện cải cách hành chính hằng năm của các đơn vị.

Đó là Quyết định số 4239/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục 318 thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu triển khai tái cấu trúc quy trình, cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử thành phố Hà Nội năm 2023 và các năm tiếp theo. Đó còn là Văn bản số 2596/UBND-KSTTHC về việc chấn chỉnh, phòng ngừa sai phạm trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Trong đó, UBND thành phố yêu cầu khắc phục triệt để tình trạng chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính, xử lý trường hợp hồ sơ xử lý quá hạn phải có thư xin lỗi và hẹn lại thời gian trả kết quả... Trước đó, UBND thành phố cũng ban hành Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính 6 tháng cuối năm 2023, xác định 8 nhiệm vụ trọng tâm nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Bứt phá, vươn lên xếp vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về Chỉ số cải cách hành chính PAR Index năm 2022, Hà Nội khẳng định quyết tâm duy trì và cải thiện hơn nữa kết quả này, bảo đảm cải cách hành chính đạt hiệu quả thực chất, thực sự lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực như Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh đã khẳng định.

Để quyết tâm của UBND thành phố trở thành hiện thực, yêu cầu đặt ra là phải có sự thống nhất nhận thức và hành động của các cấp, ngành, trước hết là giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã. Mấu chốt là cần sự chủ động, tự giác đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp; coi đây là bổn phận và nguyên tắc làm việc, là lương tâm và trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị hành chính.

Việc thực hiện yêu cầu trên phải gắn với thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7-8-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, nhất là kiểm tra đột xuất về thực hiện các thủ tục hành chính, về chấp hành quy định giờ giấc làm việc, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan.

Các cấp, ngành từ thành phố xuống cơ sở cần có giải pháp huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp để tổ chức triển khai và phát huy sức mạnh của 3 trụ cột: Cải cách hành chính - Chuyển đổi số - Đề án 06. Mục tiêu phải đáp ứng yêu cầu là đi vào thực chất, mang lại giá trị thiết thực cho chính quyền, người dân, doanh nghiệp.

Đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp là xu thế tất yếu. Thước đo giá trị, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của một cơ quan hành chính giờ đây phải là sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, là giá trị thiết thực nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá trị thiết thực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.