Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giá trị lịch sử, giá trị thời đại

Hànộimới| 30/04/2014 05:48

(HNM) - Ngày 30-4-1975, những đoàn quân thần tốc tiến vào Sài Gòn, kết thúc thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.



Đây là mốc son trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, một Bạch Đằng, Đống Đa của thế kỷ XX. Chiến thắng mùa Xuân năm 1975 đã để lại cho các thế hệ sau này những bài học lớn.

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là biểu tượng ngời sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là đỉnh cao của khí phách, trí tuệ Việt Nam kết tinh từ truyền thống đánh giặc giữ nước từ nghìn xưa của dân tộc. Đã 39 năm người dân Việt Nam sống trong hòa bình độc lập, lịch sử Việt Nam đã bước sang một trang mới của thời đại mở cửa và hội nhập cùng thế giới. Những mất mát, đau thương dẫu chưa thể xóa nhòa, nhưng đã nhường chỗ cho niềm tự hào của thế hệ trẻ về những lớp cha anh đã "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". Những năm tháng đạn lửa chiến tranh đã tích tụ, kết tinh thành hình ảnh một đất nước kiên cường với những thế hệ không tiếc máu xương cho độc lập chủ quyền của dân tộc, cho cuộc sống hòa bình, tự do của nhân dân.

Mỗi con người Việt Nam hôm nay không thể và không được phép nguôi quên những mất mát đau thương của chiến tranh. Trân trọng quá khứ là cách tốt nhất để hướng tới tương lai. Mỗi người dân nước Việt cần hiểu và ý thức rõ hơn giá trị của hòa bình để khẳng định trách nhiệm công dân đối với đất nước, đối với dân tộc; đồng thời phát huy những giá trị lịch sử, những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong dòng chảy mới của thời đại. Đại thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975 đã để lại cho các thế hệ người Việt Nam những bài học lớn về huy động và tổ chức lực lượng, tạo dựng và đón bắt thời cơ, táo bạo và quyết liệt trong hành động... Những bài học ấy còn nguyên giá trị thực tiễn trong công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế hôm nay. Và đây cũng là một phần không thể thiếu trong hành trang của dân tộc bước vào tương lai.

Một sự trùng hợp của lịch sử, chiến thắng 30-4 gắn liền với Quốc tế Lao động 1-5, ngày hội đoàn kết của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới chống áp bức, bất công, đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và kiến tạo đất nước sau hòa bình, giai cấp công nhân lao động Việt Nam đã thể hiện bản lĩnh và trách nhiệm đi đầu. Trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, mỗi công nhân lao động không chỉ thể hiện bản lĩnh của người đi đầu mà còn phải tích lũy kiến thức để đi đầu trong việc tạo ra những sản phẩm giàu hàm lượng chất xám, có sức cạnh tranh trên trường quốc tế, đáp ứng đòi hỏi từ xu hướng phát triển kinh tế tri thức của toàn nhân loại. Đây cũng là một thách thức mang tính thời đại.

Lịch sử đã để lại cho dân tộc Việt Nam những bài học quý. Mục tiêu độc lập tự do hôm nay là đất nước mở rộng hợp tác quốc tế, nhưng phải bảo đảm toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, giữ quyền tự chủ kinh tế... Chỉ có tinh thần yêu chuộng hòa bình, sự tôn trọng giữa các quốc gia dựa trên các giá trị chuẩn mực quốc tế mới đem lại cơ hội phát triển cho toàn nhân loại. Người Việt Nam sẵn sàng làm bạn và hợp tác với các dân tộc trên thế giới nhưng cũng sẵn sàng đập tan những ý đồ xâm lăng và không cho phép bất cứ hành động nào nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.


10h45 ngày 30-4-1975, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Bộ binh 66, Sư đoàn 304 và Lữ đoàn Xe tăng 203, Quân đoàn 2 là những đơn vị đầu tiên cùng một số chiến sĩ biệt động đánh vào sào huyệt địch buộc Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh và toàn bộ nội các đầu hàng. 11h30, cờ giải phóng tung bay trước tòa nhà chính của Dinh Độc Lập, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đất nước thống nhất.
Ảnh: Xe tăng quân giải phóng húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá trị lịch sử, giá trị thời đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.