(HNMO) - Hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống viêm gan (28/7) với chủ đề “Hãy nhận biết và hành động ngay”, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo người dân toàn cầu cần nhận biết rõ nguy cơ lây nhiễm viêm gan vi rút của bản thân và cộng đồng, từ đó kịp thời xét nghiệm và điều trị.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện tỷ lệ nhiễm viêm gan, trong đó có viêm gan C (VGC) ở nước ta rất cao. Dù là một căn bệnh nguy hiểm nhưng VGC lại ít có triệu chứng biểu hiện ra ngoài cho đến khi tiến triển thành xơ gan hay ung thư gan. VGC chỉ có thể chẩn đoán được bằng xét nghiệm. Trên thế giới, ước tính, có khoảng 110 triệu người đã từng hoặc đang nhiễm vi rút VGC, trong đó 55-85% người nhiễm vi rút VGC sẽ tiến triển thành VGC mạn tính. Hơn 700 nghìn người tử vong mỗi năm do các biến chứng liên quan đến VGC (như: Xơ gan và ung thư gan). Còn tại Việt Nam, theo một ước tính mới đây, khoảng hơn 1 triệu người đang nhiễm vi rút VGC, gấp 4 đến 5 lần số người hiện mắc HIV trên cả nước. Số người nhiễm VGC còn có nguy cơ tăng cao hơn nữa bởi khả năng lây nhiễm qua đường máu của vi rút VGC cao hơn gấp nhiều lần so với vi rút HIV.
Hiện nay, VGC đã có thể chữa khỏi được. Mục đích điều trị là loại trừ vi rút VGC ra khỏi cơ thể người bệnh, ngăn ngừa viêm gan tiến triển thành xơ gan, ung thư gan hoặc tử vong và dự phòng lây nhiễm VGC trong cộng đồng. Các thuốc điều trị VGC hiện nay như Peg-interferon đã đươc bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả một phần (khoảng 30%) nhưng giá thành còn rất cao, khiến cho nhiều người nhiễm VGC chưa được tiếp cận với điều trị. Mặt khác, các thuốc này có hiệu quả điều trị thấp, phụ thuộc vào các kiểu gien khác nhau, thời gian điều trị kéo dài và có nhiều độc tính. Từ năm 2013 đến nay, trên thế giới đã có nhiều loại thuốc kháng vi rút trực tiếp (Direct Acting Antivirals - viết tắt là DAA) thế hệ mới được sản xuất. Các thuốc DAA này có tỷ lệ điều trị khỏi trên 90%, ít độc tính và thời gian điều trị ngắn hơn nhiều so với các thuốc thế hệ trước đây. Hầu hết các thuốc DAA đã được đưa vào danh mục thuốc thiết yếu và hướng dẫn điều trị mới nhất của WHO. Một số thuốc đã được sản xuất dưới dạng thuốc generics với giá thành rẻ hơn để giúp bệnh nhân ở các nước nghèo nguồn lực có thể tiếp cận điều trị dễ dàng hơn.
Từ năm 2015, một số thuốc kháng vi rút trực tiếp đã có mặt tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc tiếp cận điều trị VGC bằng các thuốc này còn rất hạn chế do thuốc chưa được đăng ký, chưa có trong danh mục thuốc được BHYT chi trả, giá thành còn quá cao so với một số quốc gia khác trong khu vực và vượt quá khả năng chi trả của người bệnh.
Vào tháng 9 tới sẽ diễn ra hội thảo về “Tăng cường tiếp cận điều trị viêm gan C” với mong muốn các bên liên quan có thể cùng nhau thảo luận giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong tiếp cận điều trị cho người bệnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.